19:14 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người mẹ già gần đất xa trời nuôi ba con thần kinh

16:08 28/11/2016

(THPL) - Khi còn sức khỏe, cụ Xuyến làm còn không đủ để nuôi ba người con bệnh tật. Giờ đây, khi tuổi đã cao và sự sống lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió thì số phận của cụ và các con càng trở nên mong manh.

Cụ Xuyến và những người con đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Ảnh: Đức Tùy

Cứ sinh ra là bị bệnh

Câu chuyện về cụ bà Bùi Thị Xuyến (83 tuổi), ở thôn 6, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang (Hải Dương) nuôi 3 con thần kinh luôn nhận được nhiều thương cảm. Đáng ra, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ phải được hưởng cuộc sống an nhàn, nhưng do các con cụ sinh ra kém may mắn nên khiến cuộc đời cụ lâm vào khốn khó. Chúng tôi có mặt tại gia đình cụ Xuyến giữa trưa muộn, khi cụ Xuyến đang nằm co ro trên giường trong căn nhà cũ cấp bốn, còn 3 người con ai nấy đều có gương mặt vô hồn ngồi thơ thẩn ở đầu hiên và gốc cây kêu ú ớ.

Thấy có khách đến nhà, cụ Xuyến gượng dậy nói giọng nghèn nghẹn: “Không biết tại sao nữa, tôi cứ sinh ra đứa nào thì người đó lại mắc bệnh thần kinh. Bản thân tôi đã khổ vì bệnh tật đeo bám hành hạ, giờ đây khi không còn sống được bao lâu nữa lại còn phải lo cho các con thế này”. Dứt lời, ba người con của cụ kêu gào đòi ăn, đòi uống. Nếu cụ chưa kịp cho ăn, các con lại phá phách và xé quần áo, chứng kiến cảnh đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Chắt (64 tuổi, con gái lớn cụ Xuyến) kể: Gia đình có 5 anh chị em thì 3 em là Phạm Văn Khải (57 tuổi), Phạm Thị Hương (48 tuổi) và Phạm Văn Minh (42 tuổi) bị bệnh thần kinh từ nhỏ. “Nếu đi làm thì không sao, khi về nhìn thấy mẹ và các em bệnh tật, tôi không cầm được nước mắt”, cô Chắt tâm sự.

Lúc mới sinh, ba người con bệnh tật của cụ Xuyến bình thường. Đến gần 1 tuổi, các con của cụ đều có biểu hiện nóng sốt, co giật và lớn lên đều không biết nói, không đi lại được, suốt ngày ngồi thẫn thờ, cười nhảm và kêu ú ớ. Riêng anh Khải và chị Hương bị liệt chân gần 20 năm nay. Vì gia đình nghèo khó, bản thân cụ Xuyến tuổi cao nên không có kinh phí cho các con đi chữa bệnh, đành phó mặc số phận cho cuộc đời định đoạt. Mỗi khi thời tiết thay đổi, bệnh tình các con của cụ tái phát và đi lang thang khắp nơi.

Hướng ánh mắt nhìn ba người em đang cười vô hồn, cô Chắt nghẹn ngào: Năm 20 tuổi, cô vào Gia Lai làm kinh tế mới, nhưng chưa khi nào cô cảm thấy yên tâm để mẹ già sức tàn lực kiệt và 3 em bị bệnh ở nhà. Khi làm được 5 năm cũng là lúc em gái út trong gia đình đi lấy chồng ở nơi xa, cô đã xin đơn vị nghỉ hẳn để về nhà cùng mẹ chăm sóc các em. Mải làm lo cho các em và mẹ nên cô đành ở vậy không lấy chồng sinh con. “Nếu như các em không bị bệnh thì tôi và mẹ cũng không phải khổ sở thế này. Biết là vất vả và cuộc sống hiện nay khó khăn, nhưng là em ruột của mình, nên không thể bỏ được”, cô Chắt chia sẻ.

“Tôi chết, ai sẽ là người nuôi chúng nó…”

Hướng ánh mắt buồn về ba người con đang cười vô hồn bên hiên nhà, cụ Xuyến nói giọng xót xa: “Bây giờ tôi và con gái lớn còn khỏe, còn làm được thì có thể nuôi chúng nó. Sau này, tôi mất đi, chị nó già yếu, chúng nó biết về đâu bây giờ. Cứ nghĩ đến đó, tôi lại không dám chết và chết cũng không nhắm được mắt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chồng cụ Xuyến là cụ ông Phạm Văn Chiêu người địa phương. Lúc con trẻ, cụ Chiêu nổi tiếng ở trong xóm, ngoài làng vì sự chịu thương, chịu khó và hiền lành. Lấy nhau xong, vợ chồng cụ làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh cuộc sống. Đến năm 1942, cụ Chiêu bị thực dân Pháp bắt đi làm công ích, khi cụ phản ứng lại thì bị đánh đập, tra tấn suốt 4 năm khiến cụ bị bệnh lao, thổ huyết và ảnh hưởng thần kinh.

Sau khi được thả tự do, hai vợ chồng cụ sinh được 5 người con và tích cực lao động. Tuy nhiên, lúc này những vết thương trong nhà tù lại tái phát làm cho sức khỏe của cụ ngày càng yếu. Thương chồng bị bệnh, thương các con nhỏ, cụ Xuyến đã nhận ruộng khoán của HTX để cày cấy và đi buôn bán mong có thêm kinh phí chạy chữa cho chồng và nuôi các con. Đến khi gia đình cụ khánh kiệt về kinh tế cũng là lúc cụ Chiêu qua đời năm 1973. Chồng mất, cụ Xuyến phải gồng mình kiếm tiền nuôi con và chạy chữa bệnh, nhưng bao nhiêu tiền bạc cũng lần lượt đội nón ra đi khi bệnh của các con ngày càng nặng.

Ông Phạm Văn Kiều, hàng xóm tâm sự: Mấy năm nay, tôi thấy gia đình cụ Xuyến ngày càng khốn khổ, các con bị bệnh ngày nặng thêm và cụ đã già yếu. Với 4 sào ruộng khoán và hơn 1 triệu tiền trợ cấp không đủ mua thuốc cho bản thân và các con hàng tháng. Nếu không có sự giúp đỡ của tổ chức, cá nhân thì không biết gia đình cụ sẽ sống ra sao…

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) cho biết: “Gia đình cụ Xuyến là trường hợp khó khăn đặc biệt của địa phương chúng tôi. Nhiều năm nay, chúng tôi thường xuyên quan tâm và được các tổ chức, đơn vị tặng quà, chăm lo, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn không vơi bớt khó khăn”.

Rời khỏi ngôi nhà của cụ Xuyến, hình ảnh người mẹ nghèo gần đất xa trời mắt mờ chân chậm, mò mẫm đút từng miếng cơm cho ba người con điên dại cứ ám ảnh mãi tâm trí tôi. Những ánh mắt ngơ ngác của những người điên, những ánh mắt thẫn thờ mệt mỏi suốt bao tháng năm khổ cực của người mẹ, người chị trong gia đình ấy. Cuộc sống của họ sẽ đi về đâu. Những người con cụ Xuyến bị điên kia sẽ đi về đâu, khi một mai đây thôi, người mẹ già ra đi bởi sức cùng lực kiệt. Người chị đã ngoài 60 liệu có cầm cự được thêm mấy năm nữa để có thể trông nom cho ba người em điên dại.

 Theo Giadinh.net.vn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu