19:17 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ thuật trực tuyến lên ngôi – Thoả mãi “cơn khát” giải trí

Lưu Kỳ | 16:05 02/02/2022

Biểu diễn tại nhà, hát trên sân khấu không khán giả là những trải nghiệm chưa từng có của nghệ sĩ trong những tháng ngày giãn cách xã hội phòng tránh Covid-19. Công chúng cũng từng bước làm quen với việc thưởng thức nghệ thuật…online thông qua các nền tảng trực tuyến như Youtube, Facebook...

Thích ứng linh hoạt

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến cho các chương trình nghệ thuật bị hủy hàng loạt. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà hát, sân khấu chuyển sang hoạt động theo hình thức trực tuyến đưa nghệ thuật đến với khán giả.

Với mục tiêu cổ vũ tinh thần chống dịch qua các tiết mục văn nghệ, nhiều đơn vị đã thực hiện những chương trình biểu diễn kịch - âm nhạc trực tuyến, kết nối các nghệ sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc. Có những chương trình được thực hiện nhiều số, tạo thương hiệu, với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.

“Xuân hạ thu đông rồi lại xuân” mang đến không gian âm nhạc gần gũi, nhiều cảm xúc.

Một trong đó có thể kể đến "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" do Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các nhà hát thuộc Bộ VH-TT&DL tổ chức được đông đảo công chúng theo dõi trực tiếp và xem lại khi phát trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và trang Facebook cá nhân của các nghệ sĩ tham gia.

Format của chương trình được xây dựng với tinh thần vui tươi, nội dung phong phú, hấp dẫn. Ê-kíp kịch bản sẽ lựa chọn các tiết mục sao cho chương trình nào cũng có sự lồng ghép giữa các tiết mục ca múa nhạc, nghệ thuật sân khấu truyền thống và nghệ thuật giao hưởng, vũ kịch và có phần gameshow tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.

NSƯT Chí Trung và hoa hậu Lương Thùy Linh trong chương trình "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch.

Mỗi chương trình đều kết nối các điểm cầu khác nhau là các Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Hà Nội), Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng)... và nhà riêng của các nghệ sĩ tham gia chương trình như NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung, diễn viên Trương Ngọc Ánh, gia đình nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang, Hoa hậu Lương Thùy Linh... Suốt mùa dịch, đã có 7 chương trình được diễn ra với các chủ đề riêng như: Ở nhà cùng vui, Cháy lên, Tết Trung thu… đã góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chương trình "Sing for Life, Sing for Love - Hát để sẻ chia" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo, Trung tâm Tình nguyện quốc gia phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, cũng nhận được sự hưởng ứng lớn của khán giả. Với 4 tập, chương trình quy tụ dàn sao hot của làng nhạc Việt như các ca sĩ: Hoàng Dũng, Hồng Nhung, Bảo Trâm, Diva Thu Phương, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân, Văn Mai Hương, Ali Hoàng Dương, Đông Nhi, Hoàng Yến Chibi, Quân A.P, nhạc sĩ Dương Cầm...

"Sing for Life, Sing for Love - Hát để sẻ chia" kết nối các nghệ sĩ trực tuyến từ khắp nơi.

Không chỉ đem tới những ca khúc hay như liều thuốc tinh thần cho khán giả thưởng thức, chương trình còn kêu gọi công chúng chung tay góp sức, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng quỹ hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch Covid-19. Toàn bộ số tiền gây quỹ được qua các tập được dùng để mua các gói nhu yếu phẩm trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các bác sĩ cũng như lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Rất nhiều những sự kiện âm nhạc, nghệ thuật trực tuyến đáng chú ý năm vừa qua, có thể kể tới: Cảm ơn những điều phi thường, F0 không cô đơn, Vững tâm vượt qua đại dịch, Thành phố 18h...Khi làng nghệ thuật - giải trí đang gần như bị "đóng băng", những chương trình này đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, xoa dịu phần nào tâm lý căng thẳng, lo âu trong dịch bệnh.

Cơ hội và thách thức của nghệ sĩ

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà hát, các sân khấu đóng cửa, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước không thế tổ chức biểu diễn, các chương văn hóa nghệ thuật có quy mô, có chất lượng cao trên sân khấu, trên truyền hình hầu như không còn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng bị ảnh hưởng lớn.

Theo nhìn nhận của những chuyên gia, nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành nghệ thuật, việc xây dựng nhà hát trực tuyến, sản xuất các chương trình, tác phẩm công chiếu trực tuyến không chỉ giải pháp tình thế để thích ứng với tình hình dịch bệnh mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay. Và các đơn vị cần sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện mô hình này, phục vụ công chúng, hướng tới việc hợp tác với các đài truyền hình, tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng để phát sóng phục vụ khán giả tại nhà, để các nghệ sĩ được diễn và có thu nhập.

Thực tế, thời gian gần đây, một số đơn vị và nghệ sĩ đã thực hiện những chương trình nghệ thuật theo hình thức không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ YouTube, Fanpage đến truyền hình. Chẳng hạn, chuỗi chương trìnhMusic Home của Truyền hình FPT với sự tham gia của các ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Cẩm Vân, Đức Tuấn, Tùng Dương… mang tới cho khán giả theo dõi truyền hình, mạng xã hội những “bữa tiệc” âm nhạc sang trọng, tinh tế nhưng không kém phần gần gũi không khoảng cách đến khán giả trong chính ngôi nhà của mình.

NSƯT Xuân Bắc kết nối để khán giả “Ở nhà cùng vui”.

Hay như chương trình âm nhạc "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân" của Forest Studio cũng được khán giả yêu mến khi mang đến không gian âm nhạc gần gũi, nhiều cảm xúc, với sự tham gia của các ca - nhạc sĩ trẻ như nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, ca sĩ Hoà Minzy, Anh Tú, Lyly, Bùi Công Nam, Ali Hoàng Dương, Phạm Quỳnh Anh… Điểm tạo nên sức hút của chương trình là những người tham gia có thể trò chuyện về âm nhạc, hát với nhau, truyền tình yêu âm nhạc và cảm hứng mới mẻ cho khán giả.

Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hiện cũng định hướng xây dựng những nhà hát, sân khấu online, hướng tới việc kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội, biến thách thức thành cơ hội, biến tình thế thành xu thế. Các chuyên gia cho rằng để làm được điều này, cả nghệ sĩ và khán giả Việt Nam cần thay đổi tư duy thực hiện và cách thức tiếp cận.

Khán giả hiện có thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp và nghệ sĩ cũng quen với việc biểu diễn trước khán giả. Khi chuyển qua hình thức online hướng tới thu phí, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng chương trình phải thật hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh được với những chương trình giải trí theo xu hướng thịnh hành. Việc xây dựng chương trình hấp dẫn từ kết cấu, nội dung đều gặp khó khăn, nhất là với những loại hình nghệ thuật biểu diễn kén người nghe, xem như hát kịch, nhạc giao hưởng, nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương…

“F0 không cô đơn” sát cánh cùng F0 vượt qua dịch bệnh

Thương hiệu cũng là một trong những yếu tố quan trọng và được đề cao đối với các chương trình nghệ thuật online. Nhiều nghệ sĩ ca sĩ trẻ hiện nay như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu… chọn cách ra mắt sản phẩm trên trang mạng cá nhân Facebook hoặc Youtube và thu hút lượt xem, tương tác vô cùng lớn. Trong khi đó, khán giả vẫn còn thờ ơ với những chương trình âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn theo cách thức truyền thống. Thương hiệu cá nhân khiến cho các nghệ sĩ tạo được sức hút đối với một cộng đồng công chúng rộng lớn ủng hộ, theo dõi chương trình của mình. Và các chuyên gia cho rằng, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cũng phải nghiên cứu tìm cách xây dựng thương hiệu cho đơn vị trên môi trường số.

Đại dịch Covid-19 còn kéo dài và chưa biết đến khi nào chúng ta mới có thể tổ chức một chương trình nghệ thuật để khán giả thưởng thức theo cách bình thường như trước đây. Đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số để tiếp cận khán giả là con đường tất yếu mà có lẽ, đại dịch khiến cho chúng ta bước tới con đường đó sớm hơn và nhanh hơn.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu