06:48 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường: Bàn tay tài hoa vẽ nên vinh quang kì diệu

Huệ Nguyễn | 07:58 27/07/2019

(THPL) - Trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng, nghệ nhân Đào Trọng Cường cũng may mắn tìm cho mình bến đỗ bình yên với nghề họa sĩ tranh đá quý. Những tác phẩm của ông để lại nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần to lớn cho những người yêu hội họa trong nước và quốc tế.

Khởi đầu từ hành trình gian khổ

Ngay từ rất sớm, gia đình nghệ nhân Đào Trọng Cường đã hướng ông vào con đường âm nhạc. Tuy nhiên, cuộc đời đã hướng ông tới một nghệ thuật khác sau cuộc mưu sinh đằng đẵng cay đắng, khổ ải có lúc tưởng rằng khó có thể thoát ra.

Giấc mộng làm giàu của thời trai trẻ khiến ông khăn gói lên rừng làm “thổ phỉ” đào vàng. Tại đây, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh trước sự giành giật đất sống của những kẻ khát bạc, đói thuốc. Ấy vậy mà, ông đã “bén duyên” và bị quyến rũ bởi sắc màu lung linh của những viên đá quý.

Những tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Đào Trọng Cường (người đứng ngoài cùng tay trái) luôn thu hút sự chú ý quan tâm đặc biệt. 

Năm 1987, khi mà người dân Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, nghệ nhân Đào Trọng Cường khăn gói sang Thái Lan để tìm câu trả lời mà trong những ngày làm “thổ phỉ” ông đã đặt câu hỏi trong đầu: Nhiều người Thái Lan thu mua hàng trăm tấn đá để làm gì?

Thế rồi, cứ hễ dành dụm được đồng nào là ông lại khăn gói sang Thái Lan và đến các làng nghề chế tác tranh đá quý, tìm gặp các nghệ nhân để xin học. Tuy nhiên, các nghệ nhân Thái Lan đều từ chối truyền nghề. Thậm chí, khi biết ông có ý định học nghề làm tranh đá quý, họ đã không cho ông vào thăm xưởng chế tác.

Không học được nghề, ông băn khoăn và mua hàng loạt tranh đá quý về ngắm nghía, tìm hiểu. Ông đục những bức tranh này ra để xem người Thái dùng chất keo gì mà gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti, mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá.

Sau đúng 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng. Khoảng 6 năm là quãng thời gian mà nghệ nhân Đào Trọng Cường miệt mài tìm hiểu, học hỏi về nghề tranh đá quý.

Chia sẻ về những năm tháng vất vả từng đến không ít vùng để đào đá quý, ông khiến nhiều người không khỏi lo lắng và rơi nước mắt khi tâm sự: “Tôi đã từng tránh được nhiều mũi dao hiểm ác. Có lần, một tên đã dí súng vào ngực tôi nhưng hắn đã không kịp bóp cò cho đạn nổ”

Vinh quang với nghệ thuật làm tranh ngọc quý

Bằng sự vươn lên trường kỳ không biết mệt mỏi và bằng ý chí phi thường, nghệ nhân Đào Trọng Cường từ một người kinh doanh lận đận đến nay đã “bén duyên” thành một doanh nhân thành đạt, một người khai sáng ra chuyên ngành nghệ thuật mới: tranh cẩn ngọc.

Năm 2002, giới nghệ sĩ bất ngờ về cuộc triển lãm 500 bức tranh đá quý của nghệ nhân Đào Trọng Cường tại khách sạn Melia. Cùng năm, ông đoạt giải Sao vàng Đất Việt. Năm 2003, ông được trao danh hiệu nghệ nhân Bàn tay vàng.

Năm 2006, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia. Cũng trong năm này, ông mở triển lãm tranh đá quý với 300 bức cỡ hoành tráng. Những tác phẩm như Bác Hồ kính yêu, Bình minh, Khát vọng, Tranh Đông Hồ, Chùa Một Cột,… đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong sự nghiệp của Đào Trọng Cường cũng như của làng tranh đá quý Việt Nam, giúp ông giành được hàng loạt giải thưởng danh giá như Tinh hoa Việt Nam,…

Đặc biệt, nghệ nhân Đào Trọng Cường còn được Nhà nước giao trọng trách quan trọng khi thực hiện và trao tặng 19 bức chân dung của 19 vị nguyên thủ quốc gia là thành viên tham dự hội nghị APEC lần thứ 14 (năm 2006) được tổ chức tại Việt Nam.

Nghệ nhân Đào Trọng Cường luôn giữ được lối đi riêng bằng chữ tín, chữ tâm, bằng bản lĩnh, trí tuệ.
Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm hội họa “Niệm”.

Các tác phẩm này đều được đánh giá cao bởi các vị nguyên thủ quốc gia, càng trở thành động lực để nghệ nhân Đào Trọng Cường không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm để đời.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, nghệ nhân Đào Trọng Cường còn được biết đến là một nghệ sĩ, doanh nhân chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Tác phẩm Bình minh của ông bán được hơn 21.000 đô la Mỹ, được ông ủng hộ cho các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm Ngày nay được bán với giá 9.000 đô la, được ông ủng hộ cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Hay như tác phẩm Ba miền được bán với giá 1,83 tỷ đồng, được ông ủng hộ toàn bộ cho quỹ Vì người nghèo.

Mới đây nhất nghệ nhân Đào Trọng Cường đã trao tặng cho Bộ Ngoại giao bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng biết ơn của những họa sĩ đương đại với công lao to lớn của vị cha già dân tộc.

Ông đã dành thời gian 6 tháng để hoàn thành bức tranh quý có kích cỡ 1m54 x 2m76. “Để hoàn thành bức tranh này, tôi cũng khá vất vả, bởi vì đá quý không thể xóa được như bột màu, sơn dầu. Tôi đã dùng đá quý như sapphire, thạch anh, đá nguyên sơ, bột đá quý để thành màu bức tranh vừa chân thật, vừa bền vững với thời gian”, nghệ nhân Đào Trọng Cường chia sẻ.

Hơn hai mươi năm qua, nghệ nhân Đào Trọng Cường luôn giữ được lối đi riêng bằng chữ tín, chữ tâm, bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự chịu đựng, quyết tâm học hỏi và trau dồi tri thức của một người làm nghề chân chính. Với đôi bàn tay tài hoa cùng trí thông minh, sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, ông đã viết lên câu chuyện cổ tích của một người nghệ sĩ luôn chứa chan sự đẹp đẽ, phóng khoáng trong con người và tác phẩm. 

Huệ Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu