00:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân người Mông gìn giữ tinh hoa thổ cẩm núi rừng Tây Bắc

Minh Anh | 09:12 04/06/2023

(THPL) - Với cảnh vật núi ấp ôm mây, mây ấp núi cùng tiếng khèn và điệu xòe hoa độc đáo đã tạo nên một Vân Hồ (Sơn La) mộng mơ, đậm chất thơ. Điểm lên bức tranh đó chính là những nghệ nhân đang ngày ngày gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Mông.

Trang phục của người Mông rất đa dạng về sắc màu, sự tinh tế thể hiện qua từng đường thêu mũi chỉ, tạo nên những hoạ tiết tinh xảo. Muốn được như vậy là cả một quá trình cần mẫn trong lao động, trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Mông nơi đây. 

Người Mông có câu: “Đói đến chết cũng không ăn thóc giống, rách cũng phải có áo lanh mặc lúc chết”. Vải lanh trở thành tín hiệu để nhận biết cội nguồn, kể cả khi đã rời xa cuộc sống nơi dương thế. Bên cạnh đó, chính là sự cầu kỳ, tinh tế kỹ lưỡng trong từng hoa văn; nó không chỉ chứa đựng tinh tuý thẩm mỹ mà còn là văn hoá.

Sản phẩm thổ cẩm khi đã hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với hoa văn, họa tiết khác nhau, cùng với gam màu chủ đạo từ các sợi chỉ màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo nên nét độc đáo.
Giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ ấy, ở các phiên chợ rẻo cao Tây Bắc vẫn yên bình, phụ nữ H’Mông vẫn mải miết se lanh, dệt vải bày bán cho các du khách phương xa.

Cuộc sống hôm nay đã có nhiều đổi thay, tiện nghi và hiện đại hơn nhưng những nghệ nhân người Mông ở Lóng Luông vẫn giữ gìn bản sắc thông qua trang phục độc đáo; họ vẫn cùng nhau trồng lanh, dệt vải.

Hình ảnh người phụ nữ Mông gắn bó với khung cửi, cây kim, sợi chỉ như một nét sinh hoạt không thể thiếu hàng ngày. Người Mông hỏi vợ cho con trẻ phải chọn con gái biết trồng lanh dệt vải, chính vì vậy, hầu hết con gái Mông từ 14 tuổi trở nên đều biết thêu, dệt thổ cẩm.

Biết dệt thổ cẩm từ khi lên 8, chị Tráng Thị Phếnh (sinh năm 1969, bản Lũng Xá, xã Lóng Luông) đã có thể tự tay may các bộ trang phục cho chồng và các con. “Con gái từ nhỏ nếu không biết làm sẽ không thể đi lấy chồng được, tính đến nay đã 46 năm rồi. Đến Tết mỗi người cũng phải có 2-3 bộ quần áo mới”, chị Phếnh nói. 

Vải lanh vừa mềm lại mát, việc biến những cây lanh thành tấm vải hoàn chỉnh đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo và bền bỉ của những “nghệ nhân”. Cây lanh được gieo trồng trên nương vào mùa hè, sau 3 tháng có thể thu hoạch phơi khô rồi thực hiện công việc đầu tiên chính là tách vỏ. 

Chị Phếnh chia sẻ: “Ở công đoạn này, người thợ phải thật cẩn thận sao cho các mảnh cây đều nhau, không bị đứt giữa chừng. Người thợ thực hiện công đoạn nối sợi, đòi hỏi kỹ thuật rất cao, các sợi nối cho đều nhau, sợi bé phải nối với sợi to hơn; sợi nào to thì lại tước bớt đi cho vừa vặn, ngọn phải nối với ngọn, gốc phải nối với gốc. Sau đó, sợi lanh được ngâm vào nước lạnh từ 10-20 phút và đưa lên khung để se sợi.

 Cũng giống chị Phếnh, nghệ nhân Giàng Thị Dếnh (sinh năm 1958) đã gắn bó với cây kim, sợi chỉ từ khi lên 6, bà cho biết: “Điều khác biệt ở cách dệt lanh của người Mông so với các địa phương khác là người thợ dùng chính thắt lưng của mình để buộc và kéo căng mặt vải, đồng thời dùng chân giật sợi dây để cuốn sợi. Chính vì vậy, khi dệt đòi hỏi người thợ phải phối hợp nhịp nhàng giữa tay - chân và lưng để có được một tấm vải đẹp mịn như y muốn”.

Với chị Phếnh, nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông.
Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… được làm thủ công.

Các sợi lanh khi được dệt xong sẽ mang đi nhúng chàm, loại cây không thể thiếu trong vườn nhà của người Mông. Nhúng vải trắng trong nước chàm một lần sẽ ra màu chàm nhạt, sau đó người ta phơi khô. Muốn màu đậm hay nhạt thì cứ lần lượt thực hiện thao tác nhúng - phơi khô cho đến khi đạt được theo nhu cầu thậm chí đến khi mảnh vải ra màu đen.

Theo bà Dếnh, tấm vải khi đã nhuộm chàm sẽ được nghệ nhân sử dụng phương pháp dệt độc đáo để tạo ra những hoa văn màu sáng trên màu chàm, đó là dùng sáp ong vẽ lên nền vải trắng. Công cụ dùng vẽ mẫu in sáp là bút vẽ làm bằng đồng, được chia thành các kích cỡ khác nhau sao cho phù hợp. Mô típ là hình chữ nhật, hình vuông được người phụ nữ thực hiện một cách cẩn thận và khéo léo. 

Khi công đoạn này hoàn tất, cả tấm vải lại được đem đi nhuộm chàm, chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu đen, nơi có sáp ong, chàm không thấm vào được. Người thợ sẽ thực hiện phương pháp nấu chảy sáp ong, những hoa văn được vẽ khi ấy sẽ trở thành màu trắng xanh. Đây là bí quyết tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất sáng tạo, độc đáo của người Mông. 

Sự tài hoa hơn nữa còn nằm ở công đoạn tạo hoa văn trên vải, người phụ nữ Mông thỏa sức sáng tạo của mình để dệt nên những hoa văn thổ cẩm đầy tính nghệ thuật, những ô trang trí được chuyển biến một cách đa dạng. Không chỉ có vậy, chúng còn được kết hợp bởi những ô hình quả trám hoặc tam giác, các đường viền hình gãy khúc trong các bố cục khác. 

Thông thường, những mảnh vải thổ cẩm của người Mông có hai khuôn hình chủ đạo: hình tròn, hình chữ thập. Người Mông quan niệm, hình tròn tượng trưng cho móng vuốt của hổ, biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng người Mông; những hoa văn hình chữ thập để nói lên sự chăm chỉ trong lao động, sản xuất. 

Bên cạnh những họa tiết hoa văn đó, người thợ dệt thổ cẩm còn ghép các mảnh vải khác nhau để cho chiếc áo thêm phần đặc sắc hơn. Hầu hết các vải lanh trắng đều có hình sắc là các bộ phận của áo váy, sau khi trang trí từng bộ phận riêng lẻ người ta mới hoàn chỉnh được một sản phẩm độc đáo và vô cùng tinh tế. 

Có thể nói, thế hệ nối tiếp thế hệ ở rẻo cao Tây Bắc đang ngày ngày gìn giữ nét văn hoá độc đáo của dân tộc Mông. Người già dạy cho người trẻ những bí quyết nhuộm và thêu trên vải chàm, để tạo ra bộ trang phục cầu kỳ tuyệt đẹp qua đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu