22:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Ngô Văn Bội và niềm đam mê với Thương hiệu diều sáo Song Vân

| 21:43 16/05/2017

(THPL) - Từ xưa đến nay, ở Song Vân (Tân Yên, Bắc Giang), dân làng gọi nhau là “con nhà diều”. Bởi với họ, sáo diều từ lâu đã trở thành thương hiệu của làng, nó là một niềm đam mê đã ăn sâu vào trong tâm khảm, tạo nên vẻ đẹp bình dị mà thanh cao của những người nông dân nơi đây.

Nghệ nhân diều sáo

Song Vân là một xã thuần nông nằm ở phía tây của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, người dân nơi đây quanh năm luôn gắn bó với cánh diều. Diều thu hút người chơi ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ, độ tuổi lục tuần cho đến người già, trong đó có người “yêu diều hơn yêu thóc”. Nếu trời bất ngờ đổ cơn mưa thì phải thu diều trước rồi về chạy thóc sau, bởi thóc có ướt còn phơi lại được, còn diều đã ướt là… coi như bỏ.

Khi nói đến diều sáo ở Song Vân ai cũng đều biết đến nghệ nhân Ngô Văn Bội (SN 1949). Không chỉ đam mê với diều, ông Bội hiện còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo đã thành lập được 9 năm, có gần 15 thành viên tham gia. Nơi đây không những quy tụ nhiều thanh niên mà còn có rất nhiều người lớn tuổi. Họ có cùng chung một đam mê, luôn cùng nhau đi biểu diễn và tham dự nhiều cuộc thi thả diều lớn được tổ chức trên toàn quốc.

Ông Bội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng giải thưởng.

Ông Bội được xem là người chơi diều có tiếng tăm tại Song Vân. Từ thủa nhỏ với những buổi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng cùng lũ trẻ con trong xóm rủ nhau mang diều đi thả, nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng tình yêu dành cho cánh diều vẫn chưa hề vơi. Nhiều lúc dù bận rộn công việc nhưng thấy có gió mạnh ùa về là lập tức ông mang diều ra đồng thả ngay.

Cái mới lạ ở ông Bội là có thể nắm được nguyên lý của diều, tìm ra những vấn đề hay làm diều bị đổ cả khi lên cao, từ đó làm ra những chiếc diều đỗ được cả khi trời đang mưa, thậm chí có bão.

Theo kinh nghiệm của ông Bội, để có những cánh diều tốt, người chơi diều phải chọn những cây tre 10 năm tuổi, phơi liền ba tháng cho kiệt nước, nếu cong thì phải đốt lửa uốn cho thẳng. Thế nên, diều của ông dù rộng tới 4,18m lại kèm theo một ống sáo to bằng bọng chân, thì cũng chỉ nặng khoảng một cân mà vẫn có thể kéo được cả một cuộn dây bằng tre dài hai nghìn mét.

Gắn bó với diều sáo gần trọn cuộc đời, ông Bội tâm sự: “Tôi không nhớ nổi mình đã làm được bao nhiêu con diều sáo. Có những con đã mang đi tranh giải tại festival diều ở Huế, Vũng Tàu…". Chỉ biết rằng, ông đang giữ cho mình kỷ lục về con diều và bộ sáo to nhất Việt Nam.

Bộ dụng cụ làm sáo của ông Bội có cái đục, cái cưa, con dao nhọn, lưỡi để bào, khoét, để múc... Tất cả chúng đều được tự chế bằng thép hay thậm chí là các vỏ đạn được ông nhặt về từ thời xa xưa trong lúc đi bộ đội và được giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận. 

Ông Bội cười rồi kể về những câu chuyện vui khi đi thả diều, đôi khi diều đang bay cao trên bầu trời, đột nhiên bị rơi thì không biết tìm ở phương nào vì dây diều dài cả nghìn mét.

Ngoài chơi diều, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, ông Bội còn làm diều bán cho những người trong xã hay cả những khách ở phương Nam xa xôi. Ống sáo nhỏ được bán với giá vài chục nghìn đồng, ống sáo to nhất được bán với giá hai trăm nghìn đồng… Có năm, số tiền ông Bội thu về từ diều lên đến cả chục triệu đồng.

Trăm năm chơi mãi một nghề

Ở Song Vân, người dân chỉ chơi một loại diều sáo đó là sáo đôi. Làm sáo là công đoạn khó nhất, vì thế trong hàng trăm chiếc diều ông Bội làm ra, chiếc sáo hay và để đời chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Bội vẫn hàng ngày miệt mài sáng chế, tìm hiểu về diều sáo.

Cái hay của người chơi diều Song Vân là họ dùng tre già, vót nhỏ bằng đầu đũa, sau đó nối từng đoạn với nhau thành một sợi dây tre dài để về thả diều thay cho dây cước truyền thống. Người nghiên cứu ra loại dây đó chính là ông Bội.

Người dân Song Vân coi thú chơi diều như một món ăn tinh thần, giúp họ quên đi những mệt nhọc, lo âu của cuộc sống. Hiện cả 13 thôn trong xã đều quy tụ được khá đông người chơi, từ ông lão tóc bạc cho đến em nhỏ ở đây đều biết và yêu thích diều sáo.

Những người chơi không chỉ chơi diều vào mùa hè mà còn rất thích gió đông vì sự ổn định hướng gió. Đa số người chơi đều phải thừa nhận, chơi diều mất thời gian, công sức và dễ gặp rắc rối khi diều mắc vào dây điện, vướng vào cành cây.

Người dân ở đây cũng hay nói vui rằng, diều có chức năng "chống trộm" vì người chơi có thể thức cả đêm. Họ nằm nhà nghe tiếng sáo là nhận ra diều của mình, không có sáo là biết diều đã ngã, phải dậy thu về. Thế nên, khi nghe thấy tiếng sáo diều là trộm tránh xa vì biết người thả diều vẫn còn thức.

Người dân Song Vân không chỉ chơi mà còn coi diều như một thứ đam mê. Khi cánh diều bay lên, tóc trắng cũng thành tóc xanh, cánh diều mang theo niềm mơ ước, tâm tư tình cảm và cả khát vọng xua đi những vất vả từ cuộc sống thường nhật của bao con người ở làng quê bình yên này. 

>>> Nghệ nhân Vinh Coba và đam mê sáng tạo tranh kính nghệ thuật

>>> Lão nghệ nhân giữ “hồn” cho nhà rường cổ xứ Huế

Diệu Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu