19:56 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân “hồi sinh” nghệ thuật thêu long bào ở Đông Cứu

Huyền An | 16:25 28/03/2023

(THPL) - Chúng tôi có dịp về thăm làng Đông Cứu (huyện Thường Tín, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng ba để tìm hiểu về nghề thêu truyền thống. Vừa đặt chân tới các xưởng thêu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến nhiều nghệ nhân đang tỉ mỉ, cẩn thận trong việc phục dựng trang phục từ thời xa xưa. Theo thời gian, các sản phẩm làng nghề thêu truyền thống tại Đông Cứu như: nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… đã và đang có mặt ở khắp nơi trong cả nước.

Từ trung tâm TP. Hà Nội, xuôi về phía nam khoảng 15km theo quốc lộ 1A, không khó để hỏi thăm làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề thêu long bào từ khoảng thế kỷ XVII.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Làng thêu long bào này đã xuất hiện từ những năm 1746 dưới thời vua Lê Cảnh Hưng. Tương truyền rằng, có một vị quan tên là Lê Công Hành, trong một lần sang Trung Quốc đã học được kỹ thuật thêu thùa và khi về thì truyền lại cho người dân ở đây. Sau này người dân xã Quất Động thành thục kỹ thuật thêu ren còn người dân Đông Cứu chuyên thêu áo ngự, long bào. Cụ Lê Công Hành từ đó trở thành tổ nghề và được người dân làng nghề Đông Cứu lập đền thờ tự.

Nghề thêu truyền thống Đông Cứu được các nghệ nhân truyền dạy từ thế hệ này qua các thế hệ khác.

Qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu cũng là ngôi làng duy nhất tại Bắc Bộ giữ được lối thêu hoa văn cổ, phục dựng long bào cho quan lại, quý tộc và vua chúa trong triều đình xưa. Công cụ của các thợ lành nghề không quá cầu kỳ và nhiều, nhưng công sức và sự kỳ công được bỏ ra thì vô cùng lớn. Việc thêu trang phục cung đình đòi hỏi những người thợ phải thực sự tỉ mỉ, tập trung và khéo léo. Với những quy tắc khắt khe, mang tính chuẩn mực trong quá trình thêu long bào thì mới có những bộ trang phục phải mất hàng năm để hoàn thành.

Nghề thêu truyền thống Đông Cứu được các nghệ nhân truyền dạy từ thế hệ này qua các thế hệ khác. Tuy nhiên do nhu cầu của thị trường, số lượng nghệ nhân cũng giảm dần theo thời gian. Một trong số các nghệ nhân được ví như “cánh chim đầu đàn” của phục dựng nghề thêu long bào, phải kể tới Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi. 

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là hậu duệ của gia đình 5 đời làm nghề thêu, bản thân ông đã có hơn 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình. Ông cũng chính là một trong những người có kỹ thuật thêu tinh xảo nhất tại làng Đông Cứu tại thời điểm hiện tại.

Mỗi chiếc áo trung bình dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 – 4 người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế, nhưng đối với bộ trang phục đơn giản nhất, có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu làm việc trong khoảng 6 tháng. Còn bộ phức tạp phải huy động tới 7 – 8 thợ thêu ròng rã 15 tháng. Thậm chí có những bộ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành.

Dù đang bắt tay vào công việc vẽ phác thảo trang phục song nghệ nhân Vũ Văn Giỏi vẫn không quên kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện phục dựng long bào của vua chúa, hoàng hậu…

"Tôi mất rất nhiều thời gian mới có thể nghiên cứu và phục dựng được các nét hoa văn của những bộ long bào. Những tài liệu lịch sử có được rất ít ỏi chỉ là một mảnh vải hay bức ảnh đen trắng hoa văn rất mờ nhạt. Nhưng tâm huyết với nghề, tôi mày mò tìm hiểu cả những tài liệu của nước ngoài... Từ đó tôi mới có những hình dung cụ thể, sắc nét về hoa văn trên các bộ long bào và bắt tay vào phục dựng", ông Giỏi chia sẻ.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện phục dựng long bào của vua chúa, hoàng hậu…
Nếu như trước đây, nghề thêu là nghề tay trái của người làng thì từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành nghề chính.

Thiết nghĩ, nghề thêu tưởng chừng như thật nhàn hạ nhưng thực tế lại vô cùng vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn, tập trung cao độ của người thợ. Cho đến nay, tìm khắp ngành nghề thêu cũng chỉ có nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế thành công nhiều bộ trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử xưa kia. Đó chính là cả một quá trình dài cả về không gian và thời gian với khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi nhiều công sức của người nghệ nhân. 

Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình mà nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016.

Hiện nay, nghề thêu ở Đông Cứu đã đi vào ổn định, nhu cầu đặt hàng trong và ngoài nước khá nhiều. Tuy nhiên, những người nghệ nhân Đông Cứu vẫn ngày ngày khẳng định thương hiệu của mình qua từng mũi thêu, từng ngày nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bán mà còn là những tác phẩm nghệ thuật lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống cho nhiều thế hệ sau. 

Có lẽ vì thế mà làng Đông Cứu có 572 hộ thì 90% số hộ làm nghề thêu. Trong đó, có hơn 100 cơ sở thêu lớn. Các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ kinh phí mở một số lớp nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu như trước đây, nghề thêu là nghề tay trái của người làng thì từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành nghề chính.

Huyền An

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu