04:49 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Đỗ Đình Thường: Khát khao đẩy mạnh công nghệ số ở làng nghề mộc truyền thống Ngọc Mỹ

08:12 02/01/2022

(THPL) – Gắn bó với nghề mộc hơn 40 năm, nghệ nhân Đỗ Đình Thường luôn hết lòng trao truyền tinh hoa nghề quý của cha ông cho thế hệ những người thợ trẻ. Và khát khao lớn nhất của ông hiện nay là ứng dụng công nghệ 4.0 vào làng nghề mộc truyền thống Ngọc Mỹ để những giá trị của làng nghề được phát huy mạnh mẽ nhất.

Nghệ nhân Đỗ Đình Thường, sinh năm 1962, ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội, vùng quê có nghề mộc nổi tiếng với bề dày gần 200 năm tuổi. Bởi thế, tiếng cưa, tiếng đục ngấm vào tâm trí ông Thường ngay từ thuở ấu thơ và các dụng cụ nghề mộc: đục, bào, chạm... được ông Thường xem như những người bạn thân thiết, khi một buổi đi học còn một buổi phụ cha sản xuất đồ mộc.

Giống như các cơ sở khác ở Ngọc Mỹ, xưởng mộc của cha con ông Thường cũng sản xuất đồ gỗ dân dụng (giường, tủ, bàn ghế...), đồ gỗ thờ tự (hoành phi, câu đối, án gian, cửa giữa....). Tuy nhiên, một sản phẩm mộc độc đáo, chỉ riêng cơ sở cha con ông làm, đó là nhà gỗ theo lối cổ.

Nghệ nhân Đỗ Đình Thường, Chủ tịch Hội làng nghề mộc xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội. 

Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, nhiều công đoạn phức tạp. Chi phí cho mỗi công trình nhà gỗ khá đắt đỏ nên sự kiểm soát chất lượng trong từng khâu sản xuất được nghệ nhân Đỗ Đình Thường yêu cầu rất khắt khe. Gỗ để làm nhà gỗ thường là những loại gỗ quý, được lựa chọn kỹ càng như: Gụ, hương, cẩm, trắc..... Ngoài đôi tay khéo léo, tinh thông nghề mộc, nghệ nhân làm nhà gỗ lối cổ phải có óc thẩm mỹ tinh tế và am hiểu văn hóa vùng miền mới có thể phục dựng những ngôi nhà cổ nguyên trạng mà không làm mất đi chiều sâu văn hóa ẩn chứa trong mỗi công trình, hay dựng lên một ngôi nhà gỗ lối cổ đúng “chất”.

Mấy chục năm qua, dù đã làm bao ngôi nhà gỗ nhưng mỗi khi cầm chiếc đục để chạm chi tiết hoa lá, chim muông... trên từng chiếc cột, chiếc kèo, xà ngang... là mỗi lần nghệ nhân Đỗ Đình Thường say sưa gửi gắm tâm huyết vào đó với tất cả tình yêu nghề tha thiết. Nhà gỗ cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ chẳng khác nào nghệ sĩ, và mỗi ngôi nhà chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật.

Mỗi chi tiết của nhà gỗ chính là mỗi tác phẩm nghệ thuật. 

Tiếng lành đồn xa, giờ đây, khách hàng ở nhiều địa phương trên cả nước tìm đến xưởng của nghệ nhân Đỗ Đình Thường để đặt hàng. Hiện xưởng của ông Thường có 20 nhân công, gồm cả thợ đồ gỗ dân dụng và làm nhà gỗ. Thu nhập bình quân của mỗi lao động khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đối với thợ tay làm nhà gỗ, thu nhập còn cao hơn.

Nắm bắt được xu thế thời đại kỹ thuật số, ông Thường mạnh dạn đầu tư hàng loạt máy móc công nghệ cao như: máy tiện gọi lệnh bằng robot, máy đục hoa văn trên mặt phẳng, máy xẻ, bào tự động..... Nhờ đó, năng suất lao động nâng cao, độ đồng đều chất lượng sản phẩm tăng, chi phí sản xuất giảm đáng kể.

Điều ông Thường trăn trở là hiện nay, thợ làm nhà gỗ quá ít, không đủ số lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bởi lẽ, thợ muốn làm được nhà gỗ ngoài có năng khiếu phải có tay nghề, kỹ thuật cao nên thời gian vừa học, vừa làm phải lên tới 7- 10 năm. Những người trẻ tuổi nếu không đủ sự kiên trì, tình yêu nghề thì sẽ khó lòng theo đuổi được “sự nghiệp thợ làm nhà gỗ”. Tất cả thợ làm nhà gỗ đều được nghệ nhân Thường trực tiếp đào tạo nghề.

Giàn máy tiện kỹ thuật số giúp nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm.

Niềm vui của ông Thường là ông đã truyền được tình yêu nghề truyền thống của quê hương cho 2 người con trai. Vững vàng kỹ thuật, đam mê công việc, hiện 2 con trai nghệ nhân Đỗ Đình Thường hàng ngày cùng ông và những người thợ miệt mài tạo nên những sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng ủng hộ, đánh giá cao.

Với vai trò là Chủ tịch Hội làng nghề mộc xã Ngọc Mỹ, nghệ nhân Đỗ Đình Thường luôn đau đáu trách nhiệm giữ gìn tinh hoa nghề quý cha ông, đồng thời quảng bá sản phẩm làng nghề. Nắm bắt được xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng công nghệ số là tất yếu nên mặc dù đã có tuổi, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nhưng ông vẫn là người định hướng, tập hợp các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trong xã Ngọc Mỹ cùng nhau thúc đẩy áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp.

Nghệ nhân Đỗ Đình Thường tâm sự : “Thời gian qua, chúng tôi đã hưởng lợi rõ ràng từ việc sử dụng máy móc công nghệ cao vào sản xuất. Áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp là bước đi tất yếu của bất kì lĩnh vực nào nếu muốn phát triển. Phát triển làng nghề mộc truyền thống Ngọc Mỹ không thể nằm ngoài dòng chảy đó. Tôi luôn khuyến khích các con tôi và thế hệ trẻ thợ tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiếp cận thị trường, quản lí doanh nghiệp.... Tuy nhiên, hiện nay, ứng dụng công nghệ số ở làng nghề Ngọc Mỹ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ngoài việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Ngọc Mỹ chủ động ứng dụng công nghệ số, tôi mong Nhà nước, các tổ chức liên quan hỗ trợ nhiều hơn nữa để mỗi làng nghề áp dụng công nghệ số bài bản, chủ động hơn”.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu