06:35 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành tôm xuất khẩu có nguy cơ đánh mất thị trường 800 triệu USD

| 11:25 06/07/2017

(THPL) - Nếu không thay đổi, có khả năng tôm cũng phải "giải cứu" như thịt heo, thanh long, dưa hấu do không xuất khẩu được - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây.

Theo ông Phạm Văn Đông (Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng ngành tôm cũng đang gặp không ít bất lợi trong nuôi trồng do tác động của biến đổi khí hậu cũng như tình hình dịch bệnh ở tôm còn chưa kiểm soát triệt để, gây khó khăn cho việc xuất khẩu khi hàng rào kỹ thuật về dịch bệnh, tồn dư hóa chất kháng sinh ngày càng được siết chặt.

Ngành tôm xuất khẩu có nguy cơ đánh mất thị trường 800 triệu USD. (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý, hiện đã có 6 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam là Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Arab Saudi, Mexico và Brazil đã có thông báo yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hoặc được cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu công nhận là sạch bệnh mới được phép xuất khẩu

Các thị trường này hiện đang chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tôm, với giá trị khoảng 800 triệu USD. Do vậy, nếu không thực hiện tốt vấn đề này thì sẽ rất khó xuất khẩu sang các thị trường nói trên.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đang rất lo lắng về các quy định liên quan đến chứng nhận an toàn dịch bệnh của các nước nhập khẩu. Đây là một rào cản rất khó thực hiện trong thời gian ngắn.

Với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, nếu không có giải pháp đồng độ mang tính quốc gia thì trong thời gian tới sẽ rất khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm, ông Hòe nói.

Ông Nguyễn Văn Long (Trưởng Phòng Thú y thủy sản - Cục Thú y) cho biết, đã khởi động việc ứng phó với các quy định mới của nước ngoài từ năm 2014 nhưng không được doanh nghiệp hưởng ứng. Theo ông Long, người nuôi cũng như doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Do đó, nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất như hiện nay, con tôm dễ lâm vào tình cảnh phải "giải cứu". Trung Quốc không phải là thị trường dễ tính đối với tôm nhập khẩu chính ngạch. Do đó, nếu ngành tôm trông chờ vào xuất tiểu ngạch thì nên nhìn vào bài học con heo vừa qua. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Kế hoạch quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu, giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch này sẽ lựa chọn doanh nghiệp có chuỗi hoặc liên kết theo chuỗi sản xuất có xuất khẩu sang các thị trường nói trên để tham gia chương trình giám sát.

Mặc dù chương trình có tính chất khá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm tôm xuất khẩu, tuy nhiên cho đến thời điểm này mới một vài doanh nghiệp tham gia vào chương trình giám sát dịch bệnh này. Trước đó, Cục Thú y cũng đã có văn bản gửi VASEP đề nghị lập danh sách doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang 6 thị trường nói trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.

Anh Minh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu