12:36 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở

Phương Linh (tổng hợp) | 09:31 23/12/2019

(THPL) - Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở (còn gọi là đường ngang trái phép). Đồng thời cũng có đến 45% TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang trái phép này.

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, cả nước có 5.580 giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở. Có đến 45% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang này. Từ thực tế này, mới đây, ngành đường sắt Việt Nam đã đề ra kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở. 

Theo VOV, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - an toàn đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Luật đường sắt năm 2017 và nghị định số 65 của Chính phủ đã phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc đảm bảo ATGT đường sắt. Chẳng hạn, việc đảm bảo ATGT chung và an toàn giao thông tại các đường ngang hợp pháp là trách nhiệm của ngành giao thông đường sắt, còn việc đảm bảo ATGT tại các lối đi tự mở thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở (Ảnh minh họa)

Theo tính toán của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để hoàn thành mục tiêu này, nguồn kinh phí mất khoảng 7.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, là sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của chính quyền địa phương, bởi chỉ cần xóa bỏ được 1 vị trí lối đi tự mở cũng đã giảm 1 nguy cơ mất ATGT đường sắt. Ông Phạm Nguyễn Chiến cho biết:

"Khó khăn nhất là vấn đề tài chính. Thứ 2 là một cái từ trước tới nay và hiện vẫn đang gặp phải là làm sao có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quản lý, xử lý các lối đi tự mở là rất quan trọng. Nếu chính quyền địa phương không kiên quyết, không vào cuộc mạnh mẽ thì rất khó thực hiện".

Theo báo Người lao động, toàn hệ thống đường sắt hiện có trên 4000 điểm đường ngang do người dân tự mở. Nhưng, nghiêm trọng hơn là trên 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Vì thế, câu chuyện mất an toàn giao thông đường sắt không chỉ là tìm cách đóng các điểm đường ngang do người dân tự mở.

Trong đó, 11 tháng năm 2019 xảy ra 234 vụ tai nạn đường sắt làm chết 105 người, có đến 45% số vụ xảy ra tại các đường ngang này.

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt theo Nghị định 65/2018 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các tỉnh, TP khu vực miền Bắc diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đề nghị các cơ quan chức năng, ngành đường sắt và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là ở cấp cơ sở như doanh nghiệp, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, cấp xã - huyện.

Theo đó, năm 2020, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch xóa lối đi tự mở và chương trình hành động bảo đảm ATGT đường sắt. Bám sát kế hoạch, chương trình của Ủy ban ATGT quốc gia, nhất là đề án xử lý lối đi tự mở để có lộ trình, danh mục ưu tiên thực hiện. Cùng với nguồn vốn của trung ương, địa phương cũng phải có kế hoạch vốn và chủ động nguồn lực để trước năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, theo mục tiêu Nghị định 65.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu