10:36 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hình ảnh Mèo trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam

15:52 25/01/2023

(THPL) - Là vật nuôi có những đặc tính đối lập, lại ngộ nghĩnh, độc đáo và giàu ý nghĩa biểu tượng, mèo được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ rộng rãi mà thâm thúy của người Việt Nam.

* Ăn nhạt mới biết thương đến mèo: Có vào cuộc, nếm trải thử thách mới thông cảm với cái vất vả của người trong cuộc.

* Ăn như mèo: Ăn uống ít, nhỏ nhẻ, từ tốn.

* Buộc/Thắt cổ mèo, treo cổ chó: Quá hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn.

* Cá/Cơm treo, mèo nhịn đói: 1. Tình trạng oái oăm của người đang thiếu thốn nhưng lại không được hưởng thụ mặc dù thực tế hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đó. 2. Cách xử sự của kẻ keo kiệt và nhẫn tâm.

* Cáo chẳng chịu cáo/Khỉ vẫn là khỉ, mèo lại hoàn mèo: Bản chất xấu xa thì cuối cùng vẫn cứ lộ ra, không thể che giấu, thay đổi được.

* Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào: Mỗi người đều có năng lực, sở trường riêng; chưa chắc ai đã hơn ai..

* Chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử: Đặc tính trái ngược của chó và mèo trong quan hệ với con người.

* Chó gio mèo mù: Hạng người xấu xí, đần độn, kém cỏi.* Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: Mỗi người có nghề nghiệp, chuyên môn, nhiệm vụ của riêng mình, không nên ghen tỵ hay lấn sân nhau.

Hình ảnh con mèo xuất hiện rất nhiều trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Ảnh minh họa

* Chó khô/hoang mèo lạc: Hạng người lưu manh, vô gia cư.

* Chó tha đi mèo tha lại: Thuộc loại mạt hạng, bị chê bai, ruồng bỏ, bị đùn đẩy qua tay nhiều người.

* Chó treo mèo đậy: Kinh nghiệm giữ an toàn thức ăn khi trong nhà có vật nuôi.

* Chuột sa cũi mèo: Không may gặp phải kẻ thù mạnh hơn, lâm vào thế hiểm nghèo không lối thoát.

* Chửi/Đá mèo quèo/mắng chó: 1. Đang bực người khác nhưng lại trút hành động bực tức lên những vật nuôi trong nhà. 2. Mượn chuyện này để nói (theo hướng tiêu cực) chuyện khác.

* Con mèo con mẻo con meo, muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà: Muốn ăn thì phải làm.

* Con mèo đánh giặc đông tây, con voi nằm bếp ị đầy nồi rang: Câu đùa (nói lên) một điều trái ngược.

* Con mèo xán vỡ nồi rang, con chó chạy lại nó mang lấy đòn: Lời than châm biếm của người bị mắng/phạt oan.

* Gặp thời mèo đuổi chuột, thất thế kiến tha bò: Ảnh hưởng quan trọng của thời thế.

* Gửi mỡ cho/miệng mèo: Vô tình đặt niềm tin vào những người, những nơi nguy hiểm.

* Hát như mèo (cái) gào đực: Hát quá dở.

* Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt: Ở địa vị cao bị mất quyền lợi thì đau khổ, cay cú hơn ở địa vị thấp.

* Im ỉm như mèo ăn vụng: 1. Cố tình che giấu sai phạm, tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối. 2. Thấy lợi lộc là chiếm lấy, giấu giếm, hưởng một

mình, không cho ai hay biết.

* Làm như mèo mửa: Làm chút ít, không chu đáo, làm lấy lệ.

* Lèo nhèo như mèo vật rơm: Nói dai, nói đi nói lại để nài xin gì đó.

* Lôi thôi như mèo xổ ruột: Ăn mặc xộc xệch, te tua, không gọn gàng.

* Mèo bị bỏng sợ cả nước lạnh: Một lần dại dột, lầm lẫn, gặp chuyện không hay thì nhớ mãi, lần sau chỉ thoáng thấy đã sợ mà tránh xa.

* Mèo cào không xẻ vách vôi: Không bõ, không ăn thua gì.

* Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu/sang: Một quan niệm mê tín dân gian về may rủi đối với sự xuất hiện đột ngột của chó, mèo trong nhà.

* Mèo già ăn trộm, mèo ốm phải đòn: Sự bất công, oan trái kẻ làm người chịu trong xã hội.

* Mèo già hóa cáo: Kẻ lợi dụng sự quen biết, kinh nghiệm sống lâu ngày của mình để hoạt động bất chính, trục lợi.

* Mèo khen/khoe mèo dài đuôi: Ai cũng (thường) tự khen/khoe mình, coi mình là hay.

* Mèo (già) khóc chuột: Chuyện ngược đời hoặc thói đạo đức giả.

* Mèo lại hoàn mèo: Bản chất thế nào thì trước sau vẫn vậy, khó thay đổi.

* Mèo lành ai nỡ cắt tai: Chẳng ai nỡ chê trách, ghét bỏ, xử tệ đối với người tốt.

* Mèo lành chẳng ở mả: Người ngoan, trung thực không ưa, không sống trong môi trường xấu.

* Mèo mả gà đồng: Kẻ vô lại, con nhà hạ lưu, sống lang thang, buông thả.

* Mèo mù móc cống: Không còn phương kế sinh nhai

* Mèo mù vớ cá rán: Người bất tài, kém cỏi được hưởng lợi lớn do gặp may.

* Mèo nào chẳng ăn vụng/lại từ mỡ: Thói đời là chẳng ai bỏ qua lợi lộc, cơ hội.

* Mèo nằm xó bếp: Kẻ vì lười hoặc nhát mà chẳng tham gia hoạt động gì cả.

* Mèo nhỏ bắt chuột con: Có khả năng đến đâu thì thực hiện đến đó, làm vừa sức mình.

* Mèo nhỏ bắt chuột to/cống: Làm được việc phi thường hoặc làm tham quá mức.

* Mèo ra cửa/vắng nhà, chuột xướng ca/nhảy lên ngai: Vắng người quản lý thì dễ làm bậy, thả sức tự do.

* Mèo tha miếng thịt xôn xao, hùm/kễnh tha con lợn thì nào thấy chi: Người có chức có quyền tham nhũng nhiều mà không bị trừng trị, kẻ thấp cổ bé họng ăn cắp vặt lại vẫn bị phạt nặng.

* Mèo uống nước, bể chẳng bao giờ cạn: 1. Khả năng có hạn thì không nên làm nhiều những việc quá sức mình. 2. Biết chi tiêu tằn tiện thì không sợ túng thiếu.

* Mổ lợn đòi bèo, mổ mèo lấy mỡ: Quá tham lam, keo kiệt, chi li.

* Mỡ để miệng mèo: Vô tình hớ hênh, phô bày thứ dễ mất trước mặt kẻ đang thèm muốn.

* Nam thực như hổ, nữ thực như mèo/miu/miêu: Đàn ông thường ăn uống nhiều và mạnh bạo, phụ nữ thường ăn uống ít và nhỏ nhẻ.

* Như chó với mèo: Sống luôn cãi cọ, mâu thuẫn với nhau.

* Như mèo thấy mỡ: Rất thèm muốn, khát khao.

* Rình như mèo rình chuột: Ngồi rình chăm chú và kiên nhẫn.

* Rửa mặt như mèo: Hời hợt, cẩu thả, làm ẩu, không đến nơi đến chốn.

Phong Hóa

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu