15:52 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lượng tiêu thụ khí giảm mạnh, một số mỏ đứng trước nguy cơ dừng sản xuất

15:28 05/10/2021

(THPL) - Các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ giảm nhu cầu khí cho phát điện dẫn đến lượng tiêu thụ khí giảm mạnh. Cùng với đó, khi nhu cầu điện giảm việc huy động các nhà máy sản xuất điện ở khu vực phía Nam cũng bị ảnh hưởng, trong đó có điện từ khí.

Được biết, tổng lượng khí ẩm khai thác về bờ năm 2021 dự kiến khoảng 7,9 tỷ m3, đạt 81% kế hoạch. Trong đó, lượng khí cấp cho các nhà máy điện khoảng 5,53 tỷ m3, đạt 75% kế hoạch; các nhà máy đạm đạt khoảng 1,11 tỷ m3, đạt 103% kế hoạch và các khách hàng công nghiệp khác khoảng 0,99 tỷ m3, đạt 93% kế hoạch.

So với kế hoạch huy động khí cho phát điện được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 3598/QĐ-BCT về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021, thì lượng khí cấp cho các nhà máy điện ở khu vực Đông Nam Bộ dự kiến khoảng 4,45 tỷ m3 - đạt 87% kế hoạch của Bộ Công thương. Lượng khí cấp cho các nhà máy điện ở khu vực Tây Nam Bộ là 1,08 tỷ m3 - đạt 73% kế hoạch của Bộ Công thương.

Ảnh minh họa. 

Trang cafeF đưa tin, trong năm 2022, lượng khí về bờ theo kế hoạch khai thác dự kiến là hơn 9 tỷ m3, nếu trừ lượng khí cấp cho đạm và các khách hàng công nghiệp thì lượng khí cấp cho điện vào khoảng 6,4 tỷ m3. 

Dự báo khả năng huy động khí cho điện tiếp tục giảm mạnh, chỉ cần khoảng 3,88 tỷ m3, trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ là 2,8 tỷ m3 và khu vực Tây Nam Bộ là 1,08 tỷ m3. Chênh lệch giữa cung và cầu về cấp khí cho điện có nguy cơ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) bị ảnh hưởng lớn. Điều này cũng kéo theo phần đóng góp cho ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, nếu thực tế diễn ra như vậy, một số mỏ khí đang khai thác sẽ có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo tin từ EVN cho hay, năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở miền Nam, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện có xu hướng giảm. Trong giai đoạn từ tháng 7/2021 tới nay, do thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt 90%, riêng khu vực miền Nam tiêu thụ điện tháng 8/2021 chỉ đạt 78% so với kế hoạch tại Quyết định 3598/QĐ-BCT.

Hệ quả tất yếu khi nhu cầu điện giảm, sẽ dẫn đến việc huy động các nhà máy sản xuất điện ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng theo, trong đó có điện từ khí.

Báo Đầu tư đưa tin, theo tính toán, tổng khoản giảm thu của riêng Petrovietnam/PV Gas trong năm 2021 có thể lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Nếu tính các khoản giảm thu của Nhà nước, Petrovietnam và các đơn vị thì con số có thể lên tới hơn 13.000 tỷ đồng trong năm nay.

Sang năm 2022, với dự báo việc huy động khí cho phát điện tiếp tục giảm mạnh, có thể chỉ còn ở mức hơn 6 tỷ m3 so với khả năng khai thác được là 9,1 tỷ m3, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam/PV Gas/PV Power (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) và phần thu của Nhà nước sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh hơn so với năm 2021. 

Dự kiến, các khoản giảm thu của Petrovietnam/PV Gas có thể lên tới gần 7.000 tỷ đồng; tổng khoản giảm thu của Nhà nước, Petrovietnam và các đơn vị có thể lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu