06:09 ngày 15/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN
Thương hiệu và Hội nhập
Hợp tác xã Vụn Art - Những mảnh ghép ước mơ tươi sáng
Hồ Minh - Ngọc Hà 08:02 29/04/2024
(THPL) - Hợp tác xã Vụn art (Vạn Phúc, Hà Đông) được biết đến là “ngôi nhà chung của những nghệ nhân khuyết tật”. Vì ở nơi đây, không chỉ có công ăn việc làm mà còn lấy lại sự tự tin ước mơ về ngày mai tươi sáng cho người khuyết tật.

Ngôi nhà chung của những nghệ nhân khuyết tật

Hợp tác xã Vụn Art là một căn phòng nhỏ, có tường bằng kính và trang trí bởi rất nhiều bức tranh dân gian bằng vải vụn sinh động. Vụn Art nằm trong làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông từ năm 2017 và được gọi là “ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn”.

Vụn Art được sáng lập bởi anh Lê Việt Cường – một người mắc bệnh bại liệt từ bé. Hiểu được khó khăn của cộng đồng người khuyết tật trong quá trình tìm kiếm việc làm để có thu nhập cho cuộc sống, nên anh Cường đã nảy sinh ý tưởng tạo ra một môi trường kết nối và làm việc – Đó là lúc Vụn Art được thai nghén thành hình.

Chia sẻ về cái tên Vụn Art, anh Cường cho biết: “Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, một mảnh ghép và tôi là chất keo để gắn kết những mảnh ghép tỏa sáng. Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, chúng tôi đã trở thành một mảnh vải lớn và trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình.”

Thời gian đầu khi Vụn Art được thành lập, anh Lê Việt Cường – vốn không phải một người theo đuổi ngành mỹ thuật – đã kết nối những tấm lòng tốt trong xã hội với mong muốn dạy nghề cho người khuyết tật. Những lớp dạy nghề miễn phí được tổ chức và anh Cường đã phải thuyết phục, động viên những “học viên” đặc biệt của lớp học. Giai đoạn này thực sự là giai đoạn rất khó khăn của Vụn Art. Anh Cường chia sẻ: “Vì đào tạo một người bình thường nhiều khi cũng đã khó nhưng để dạy nghề cho những người có thể trạng đặc biệt lại càng khó hơn. Nhưng may mắn với tôi, khi có sự hỗ trợ chuyên môn của các họa sĩ như: họa sĩ Đặng Thị Khuê, họa sĩ Nguyễn Văn Trường… Họ là những người cố vấn về văn hóa, nghệ thuật, trực tiếp đào tạo các học viên".

Năm 2017, Hợp tác xã Vụn Art chính thức ra mắt là một mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo. Vụn Art với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tạo việc làm bền vững và thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về khả năng lao động, sáng tạo của người khuyết tật. Bảy năm trôi qua, Hợp tác xã Vụn Art trở thành ngôi nhà chung của hơn 30 thợ thủ công khuyết tật thuộc nhiều dạng thức khác nhau. Tuy mỗi người đều có những khiếm khuyết cơ thể, nhưng khi bước vào ngôi nhà Vụn Art, họ trở thành những nghệ nhân văn hóa truyền thống, tỉ mỉ và sáng tạo trong công việc, bền bỉ và tự tin tạo ra những sản phẩm đẹp, ấn tượng.

 “Chúng tôi đã cùng nhau đã tìm tòi, chia từng công đoạn làm tranh để dạy cho từng người một. Từng công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn tùy theo năng lực và nhận thức của từng người” – Anh Lê Việt Cường cho biết.

Những người nghệ nhân khéo léo và tỉ mỉ với công việc

“Tranh ghép vải” của Vụn Art ghi dấu ấn với UNESCO

Sản phẩm của Vụn Art là những tác phẩm tranh ghép vải, đa số là vải vụn – với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí. Phương pháp thực hiện hoàn toàn thủ công bằng chính những đôi tay của các nghệ nhân khuyết tật. Cắt, ghép, dán... những công đoạn được thực hiện qua bàn tay khéo léo và trở thành những sản phẩm “tranh ghép vải” rực rỡ sắc màu, ấn tượng và độc đáo. Đặc biệt hơn, những sản phẩm này vừa giàu tính dân gian và cũng có những nét đẹp mới lạ của cuộc sống đương đại.

Những nghệ nhân ở đây cho biết, để tạo ra một bức tranh ghép vải phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô.

Vụn Art có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu của mình đến với bạn bè quốc tế

Năm 2019, UNESCO -  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc - đánh giá Hợp tác xã Vụn Art là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về tạo việc làm cho nhóm yếu thế. Cũng trong năm 2019, các sản phẩm của Vụn Art được Thành phố Hà Nội thẩm định và đưa vào danh sách các sản phẩm OCOP 4 sao, là hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu. Sản phẩm của Vụn Art đa dạng từ tranh trưng bày, áo thun, túi đeo cho đến những món quà lưu niệm đậm chất Việt trong hành trang của khách du lịch muôn phương, sử dụng chất liệu lụa, nhưng sản phẩm có thể giặt được mà không bị bong tróc, phai màu, đảm bảo độ bền qua nhiều năm.

Khó khăn và tia sáng từ “những bức chân dung từ lụa vụn”

Những sản phẩm ở Hợp tác xã Vụn Art trong nhiều năm qua chủ yếu là bức tranh vải, túi vải thời trang, bưu thiếp... Những sản phẩm này có màu sắc sắc sỡ, mang đậm nét văn hóa dân gian với nhiều họa tiết của dòng tranh Đông Hồ, hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng lụa Vạn Phúc... Tuy nhiên, khi covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế nói chung, các sản phẩm này không còn tìm được đầu ra dễ dàng. Bài toán “bán được hàng” và “bán cho ai” trở nên khó tìm ra lời giải. Các bước đi sau giai đoạn dịch của Vụn Art là quảng bá ở nhiều hội chợ, triển lãm tranh, gửi tới các công ty du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp để giới thiệu làm quà tặng. Tuy nhiên, những sản phẩm mang tính đại trà và họa tiếp lặp lại khó có thể tạo ra sự đột phá kinh tế.

Sản phẩm của Vụn Art đa dạng và trải qua nhiều giai đoạn khó khăn

Bên cạnh sản phẩm, Vụn Art tổ chức các hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh và khách du lịch tới tham quan, thực hành trải nghiệm. Đây là hướng đi giúp mọi người hiểu hơn về những người khuyết tật, biết rõ hơn về quy trình tạo ra sản phẩm và những nét văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy.

Với những sự sáng tạo và kiên trì nghiên cứu các lời giải, năm 2024 Vụn Art đã triển khai dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" để huy động đóng góp của cộng đồng khi tham gia dự án này. Theo đó, mỗi người có thể gửi chân dung của mình hoặc bạn bè cho Vụn Art để chuyển thành tranh ghép lụa. Bức chân dung bằng lụa này sử dụng vụn lụa Hà Đông, do chính người thợ thủ công khuyết tật tại Vụn Art thiết kế và thực hiện. Đây chính là yếu tố “cá nhân hóa” từng nét đặc trưng của khách hàng vào sản phẩm và tạo ra những sản phẩm thú vị, độc đáo hơn.

Tác phẩm "Tranh ghép vải Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Vụn Art

“Năm nay, Vụn Art hướng tới việc cá nhân hóa các sản phẩm lấy cảm hứng mỹ thuật dân gian. Ngoài túi xách, tranh, chúng tôi sản xuất thêm các mẫu áo phông độc đáo mang chủ đề Rồng, hay các mẫu đồ chơi như tranh ghép, bàn cờ cá ngựa bằng vải”, anh Lê Việt Cường nói.

Vụn Art luôn triển khai dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn"

Với mỗi bức tranh được khách hàng đặt riêng trong dự án, Vụn Art (với sự đồng ý của khách hàng) sẽ đưa đi trưng bày trong một triển lãm độc đáo nhất từ trước đến nay tại Bảo tàng Hà Nội, cùng với 20 danh nhân Hà Nội từ ngày 27/6/2024, trước khi Vụn Art trân trọng trao lại bức chân dung cho chính chủ.

Với hành trình 7 năm thành lập và phát triển, Vụn Art và những người nghệ nhân khuyết tật vẫn luôn tự hào và hạnh phúc khi nói về những sản phẩm của mình. Ngôi nhà chung Vụn Art vẫn là điểm tựa tinh thần cho những trái tim nồng ấm cần được sẻ chia. Và sứ mệnh của những miếng vải vụn sẽ ngày càng to lớn hơn khi mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

Tin liên quan
TAG: THPLVụn artLê Việt Cườngvăn hóadân giancá nhân hóa

Bình luận