01:47 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lê "nhái" Hàn Quốc tràn lan, người tiêu dùng cần cẩn trọng

09:22 07/10/2021

(THPL) - Ngoài những loại trái cây xuất xứ từ Mỹ, Australia, Đan Mạch, Peru… gần đây, các loại trái cây của Hàn Quốc như Cherry, nho, cam, quý, hồng giòn… cũng góp mặt trên thị trường Việt. Đặc biệt, giống lê nâu của Hàn được nhiều bà nội trợ săn đón vì có mã ngoài to đẹp, trơn tru, giá hấp dẫn và cũng không khó để tìm mua.

Tuy nhiên tại Việt Nam, lê và nho mẫu đơn có xuất xứ Trung Quốc vẫn đang được bán dưới nhãn mác Hàn Quốc. Và tình hình này ngày càng nghiêm trọng, khi những quả lê Trung Quốc liên tục được nhái hoàn toàn từ bao bì tới nhãn hiệu của chúng ta" – đó là lời khẳng định trong một phóng sự phát trên đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) vào đầu năm 2021 này.

Trước đó, trong bài viết có tên: "Cần những biện pháp khẩn cấp với lê nhái Hàn Quốc tại Việt Nam", báo điện tử Wonyesanup của xứ Kim chi cũng nhắc tới việc Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn của loại trái cây này với lượng nhập trung bình khoảng 7000 tấn/năm. Dù vậy, trong bối cảnh lê Trung Quốc dán mác Hàn Quốc đang tràn lan tại đây, nguy cơ sụt giảm xuất khẩu của lê Hàn là có thật.

Theo báo VTV News dẫn lời ông Choi Hyungsoo, Giám đốc Evergood, công ty cung cấp phần lớn lượng lê Hàn tại Việt Nam, bài báo cho biết: Những trái lê Trung Quốc sang Việt Nam bằng xe tải nên thuận tiện và có số lượng nhiều hơn hẳn sản lượng lê nhập qua đường hàng không tại Hàn Quốc. Để rồi, khi vào Việt Nam, chúng được sử dụng toàn bộ mẫu mã của Evergood kể từ giấy gói, tem mác, thùng carton cho tới hình lá cờ Hàn Quốc in bên ngoài.

Thực tế, đây không phải là một câu chuyện mới. 6 năm trước, khi Hội chợ thực phẩm Hàn Quốc ( K food) được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội phân phối thực phẩm Hàn Quốc Ko Sang Go cũng đã phải lên tiếng về tình trạng lê Trung Quốc "đội lốt" lê Hàn đang chiếm lĩnh các sạp hàng tại Việt Nam. Để rồi, suốt những năm sau đó, người tiêu dùng vẫn thường thắc mắc và bất bình khi bắt gặp sự khác biệt về chất lượng của cùng một khái niệm "lê Hàn Quốc" trên thị trường.

Lê Hàn quốc Singo Premium. Ảnh: Internet

Tạp chí VietQ đưa tin, theo các tiểu thương lâu năm trong nghề tại chợ đầu mối Long Biên cho hay, hiện trên thị trường có một loại lê nâu được trồng ở Hàn Quốc và một loại cũng là lê nâu Hàn Quốc nhưng được trồng ở Trung Quốc. Do cùng một giống nên mẫu mã giống hệt nhau. Tuy nhiên, lê nâu trồng ở Hàn Quốc có giá đắt hơn nhiều lần so với loại còn lại, nên các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thường đánh tráo 2 loại này để kiếm lời.

Trước đó, báo Vietnamnet cho hay, ông Ko Sang Go, đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khuyến cáo, tại thị trường Việt Nam đang xuất hiện loại lê Trung Quốc “đội lốt” lê Hàn Quốc, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.

Quả lê Hàn Quốc có độ giòn và vị ngọt rất ngon, đã được nhiều nước trên thế giới công nhận. Song, hiện giống lê này cũng được trồng tại Trung Quốc rồi xuất khẩu ngược trở lại Hàn Quốc. Thậm chí, khi đưa ra thị trường, chỉ ghi lê Hàn Quốc chứ không ghi lê Hàn Quốc được trồng tại Trung Quốc, khiến rất nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn.

Theo ông Ko Sang Go, tuy khó phân biệt nhưng nếu ăn thử người tiêu dùng vẫn có thể nhận ra được sự khác biệt, bởi 2 nước có khí hậu khác nhau. Lê nâu Hàn Quốc có độ ngọt, giòn, thơm. Trong khi lê nâu Hàn được trồng ở Trung Quốc ăn xốp, ít ngọt hơn. Sự khác biệt về nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là kỹ thuật bón phân và cách thu hoạch liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm như tiêu chuẩn phun thuốc trừ sâu, khiến cho lê giả có vị sạn cát, đồng thời độ ngọt và giòn thấp hơn hẳn so với lê Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện tại, lựa chọn tốt nhất của người tiêu dùng vẫn là việc nên mua hoa quả có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, ở những cửa hàng đáng tin cậy qua trải nghiệm của mình hoặc người thân. Tâm lý ham rẻ, mua hoa quả trôi nổi trên thị trường cần được sớm thay đổi.

"Nếu chúng ta coi sức khỏe là vàng, thì mỗi người sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho mình" – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói khi nhắc tới tâm lý ham rẻ hoặc việc ngại tìm tới các siêu thị lớn để lựa chọn hoa quả ngoại nhập của người dùng hiện nay.

Tương tự, theo ông Đặng Ngọc Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lâm Thành (đối tác phân phối sản phẩm Lê Evergood tại Việt Nam), về giá thành, lê Trung Quốc trên thị trường có giá rẻ hơn khoảng 1/3 so với lê Hàn Quốc mang thương hiệu Evergood. Tuy nhiên, mức chênh lệch này là không đáng kể, nếu tính tới sự an tâm và những giá trị mà lê Evergood mang về.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu