02:01 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng tiện gỗ Nhị Khê: Trăm năm ghi khắc nét tài hoa

Thảo Nguyên | 10:17 05/08/2022

(THPL) – Từ những cây gỗ vô tri, với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, người thợ tiện gỗ làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo phục vụ đời sống.

Làng cổ Nhị Khê vốn là làng khoa bảng, quê hương của những bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến…. Ngôi làng cũng nổi danh cả nước với nghề tiện gỗ có lịch sử hơn 300 năm.

Đặt chân đến Nhị Khê, du khách sẽ nghe âm thanh máy tiện, máy cưa vang vọng khắp đầu làng ngõ xóm. Ở Nhị Khê, những em bé chỉ mới 6-7 tuổi đã biết thao tác dụng cụ đơn giản của nghề tiện một cách thuần thục để phụ giúp gia đình.

Ở Nhị Khê, em bé 6-7 tuổi đã biết thao tác dụng cụ đơn giản nghề tiện gỗ để phụ giúp gia đình. 

Lớn dần lên, các em sẽ tiếp tục học hỏi, làm nghề được cha anh truyền dạy, rèn dũa một cách hết sức tự nhiên. Chả thế mà trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, nghề tiện gỗ vẫn là nguồn thu nhập chính cho 90 % hộ gia đình nơi đây.

Đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến, đế kê bát hương... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, lọ đựng chè, tượng trang trí, tranh, mành hạt gỗ, chiếu gỗ, gối gỗ…. Ngoài ra là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Ông Lê Chí Long cắt những thân cây gỗ làm nguyên liệu sản xuất 

Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người thợ Nhị Khê cải tiến, sáng tạo ngày càng nhiều sản phẩm mới. Đến nay, Nhị Khê đã sản xuất hơn 200 mặt hàng tiện từ nhiều loại gỗ như: gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu, bách xanh… Ngoài tiện gỗ, thợ Nhị Khê còn tiện bằng chất liệu sừng, ngà.

Ông Lê Chí Long (làng Nhị Khê) cho hay, điểm đặc biệt ở Nhị Khê là mỗi hộ chỉ sản xuất chuyên một vài mặt hàng, ít trùng nhau. Chính vì vậy, sản phẩm được làm rất chau truốt, kỹ lưỡng, tinh xảo.

"Sản phẩm tiện gỗ của Nhị Khê không chỉ đơn thuần là cái cái chén, cái bát, bức tranh, bức tượng.... mà nó thấm đượm tình yêu nghề, tình yêu quê hương, in dấu cả lịch sử đất nước, lịch sử làng nghề", ông Long tâm sự.  

Máy móc thay thế phương tiện thủ công giúp công việc của người thợ đỡ vất vả hơn. 
Nếu như trước kia, phương tiện sản xuất thô sơ, máy tiện đạp bằng chân rất vất vả, sản phẩm làm ra hạn chế, thì ngày nay, công nghệ phát triển, các hộ đều trang bị máy móc hiện đại: máy cưa, máy tiện gỗ, máy dập hạt…., năng suất lao động tăng gấp nhiều lần, chất lượng sản phẩm lại cao hơn đồng đều, đường nét tinh xảo. Vì thế, hiệu quả kinh tế , đời sống người dân làng nghề được nâng cao rõ rệt.
Ngoài sản phẩm đồ thờ, đồ gia dụng, người Nhị Khê còn làm tượng gỗ trang trí

Hiện nay, mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhưng với tình yêu nghề ngấm vào máu thịt, người Nhị Khê vẫn miệt mài lao động, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho sản phẩm. Nghề tiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Rèm gỗ Nhị Khê 

“Bao giờ Thường Tín hết cây/Sông Tô cạn nước Nhị Khê bỏ nghề”, người dân Nhị Khê luôn tự hào và quyết tâm gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống quý báu của cha ông bằng tất cả tài năng, tâm huyết. Năm 2001, Nhị Khê vinh dự đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu