21:59 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng hương xạ Cao Thôn: Nét đẹp lao động bình dị của vùng quê Hưng Yên

11:49 17/03/2021

(THPL) - Từ lâu, làng nghề hương xạ Cao Thôn (thuộc xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên) đã là một trong số các làng nghề truyền thống nổi tiếng bởi lịch sử phát triển từ nhiều năm. Nhắc tới làng hương truyền thống Cao Thôn nhiều người nghĩ ngay tới không khí ấm áp, thanh khiết và mang đậm nét trầm mặc cội nguồn.

Cách Hà Nội khoảng 40km, làng nghề hương xạ Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê (Tp Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là 1 trong những làng nghề truyền thống làm hương lớn nhất của cả nước.

Đặc biệt, dọc theo Quốc lộ 39A, không khó để bắt gặp hàng loạt sạp hương với đủ màu sắc, hình dáng đa dạng được bày bán hai bên đường. Khác với hương truyền thống Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), hương xạ Cao Thôn khiến nhiều người nhớ tới bởi mùi hương dịu nhẹ từ các loại thảo mộc.

Nghề làm hương xạ Cao Thôn có truyền thống từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác, được bà Đào Thị Khương khởi xướng rồi truyền lại cho dân trong làng. 

Làng nghề hương xạ Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, TP Hưng Yên là 1 trong những làng nghề truyền thống làm hương lớn nhất của cả nước.
Làng hương xạ Cao Thôn sản xuất 3 loại chính là hương sào, hương nén và hương vòng.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, hương Cao Thôn vẫn được đánh giá như một sản phẩm tâm linh quý giá độc nhất mà ít nơi sánh được. Hương nơi đây không chỉ có mùi hương dịu nhẹ, thư thái mà còn bắt mắt và đa dạng về màu sắc, kiểu loại. Cứ độ Tết đến, nhu cầu mua hương lại tăng cao. Ngoài khách mua số lượng lớn theo đơn đặt hàng, còn có nhiều khách lẻ tìm đến làng nghề này.

Nhìn những nén hương xạ Cao Thôn tuy khá đơn giản, mộc mạc nhưng công đoạn từ pha chế bột, se, nhúng, phơi, đảo đều được thực hiện hết sức chi tiết, tỉ mỉ, mang trong đó là tâm huyết và cái tâm trong sáng của người làm nghề. 

Sau khi lựa chọn kĩ càng các loại thảo mộc, cân đủ lượng để mùi vị được đảm bảo tốt nhất thì sẽ mang đi xay thành bột mịn. Tiếp tục trộn cùng dây keo để gắn kết bột lại. Từ bột hương đã dính muốn thành hương cần có tăm hương. Theo kinh nghiệm để lại của nhiều người thợ giàu kinh nghiệm tại làng hương xạ Cao Thôn, tăm hương phải được chọn kỹ từ cây nứa bánh tẻ. Công việc này sẽ giúp hương có độ dẻo dai, độ cong.

Chiều dài của tăm hương khoảng 35 - 40cm. Để dùng tăm hương se thì phải chẻ nhỏ, ngâm, phơi rồi đi nhuộm màu ở chân. Việc nhuộm đỏ không chỉ khiến cho nén hương được đẹp mà còn đánh dấu phần bột được dùng trên nén. Tất cả các công đoạn trên hầu hết được làm bằng tay. 

Công việc làm hương xạ Cao Thôn nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm

Sau khi se hương xong thì thợ sẽ mang đi phơi. Công đoạn này cũng cần nhiều tâm sức bởi thời tiết là yếu tố khá quan trọng. Thường thì người dân sẽ mang hương ra phơi khi trời lờ mờ sáng để bắt kịp mặt trời. Nếu trời nắng to thì chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là được. Vào những ngày thời tiết ấm ướt thì hương rất dễ bị mốc nên người dân sẽ phải khá vất vả để phơi hương đúng mùi thơm, thời gian hoàn thành sẽ phải mất khoảng 4 - 5 ngày. 

Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm khi nông nhàn, đến nay, nghề làm hương xạ Cao Thôn đã phát triển mạnh và trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.

Làng hương xạ Cao Thôn sản xuất 3 loại chính là hương sào, hương nén và hương vòng. Ngoài ra còn có hương đen, hương quế,... Loại nào cũng được bàn tay người dân làng nghề làm cẩn thận, khéo léo và cho ra những sản phẩm chất lượng. 

Công việc làm hương xạ Cao Thôn nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm, chuẩn bị cho vụ hương Tết.

Theo ông Nguyễn Như Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Cao Thôn chia sẻ : “Còn nhiều thách thức với người làm nghề ở đất Cao Thôn này lắm. Để nâng cao giá trị sản phẩm hương xạ, người làng nghề không thể chỉ chú trọng giữ vững mùi hương, chất lượng truyền thống mà còn phải chú trọng hơn về mẫu mã, cách thức đóng gói cho sản phẩm. Ngoài ra, chính mỗi người dân và Hiệp hội làng nghề cũng phải đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các kênh truyền thông. Chỉ có vậy, cái tiếng thơm của làng hương Cao Thôn mới bay xa, lan rộng”.

Trải qua nhiều thăng trầm của đời sống xã hội, mặc cho có những lúc nghề tưởng như bị mai một nhưng những người lao động tại làng nghề truyền thống hương xạ Cao Thôn vẫn luôn một lòng trung thành gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu