15:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng hương Yên Phụ hối hả ngày Xuân

07:45 11/02/2021

(THPL) - Trong cái se lạnh của tiết trời giáp Tết Nguyên đán, đất trời dần thay màu áo mới, cũng là lúc làng nghề truyền thống hương Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) tất bật chuẩn bị nguyên liệu, sản phẩm phục vụ nhu cầu khách hàng khi Tết cổ truyền đang về trước ngõ.

Nằm ở cửa ô Yên Phụ, qua dốc Thanh Niên - Cổ Ngư là tới làng hương Yên Phụ. Trước kia, làng hương Yên Phụ thuộc quận Ba Ðình, nay về quận mới là Tây Hồ. Ngoài nghề nuôi cá cảnh mới được du nhập mấy chục năm nay, thì người dân ở đây vẫn phát triển nghề làm hương từ lâu đời.

Theo các cụ cao niên trong làng: Nghề hương Yên Phụ do một người Trung Hoa mang tới từ thế kỷ XIII và dạy cho người dân trong làng. Ðạo Phật và tục đốt hương phát triển không chỉ ở đây mà còn ở nhiều nơi khác. 

Ðầu những năm 80 nghề hương ở đây có dấu hiệu bị mai một khi rất nhiều gia đình bỏ nghề chuyển qua nuôi cá cảnh và kinh doanh, buôn bán. Lúc này chỉ còn khoảng 20% số hộ trong làng còn làm nghề. Thế nhưng chỉ khoảng 7-8 năm sau, bước sang những năm 90, nghề này lại được khôi phục. 

Sang thế kỷ 21, nghề hương ở Yên Phụ ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu hút người dân không chỉ trong làng mà còn hấp dẫn các làng An Dương, Nghi Tàm với số lượng người theo nghề ngày một lớn.

Hỏi thăm các thợ lành nghề lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Nghề hương ở đây rất vất vả, để làm ra được que hương phải mất nhiều công đoạn. Nhà làm nghề thì tất cả các thành viên trong gia đình đều phải làm việc cật lực với sự phân công mỗi người một việc, từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản nhất tới phức tạp. Người già và trẻ em thường đảm nhiệm những công việc nhẹ nhàng không phức tạp như vót que, phơi và thu lượm, đóng bao thành phẩm.

Đặc biệt, công đoạn khó và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột mùn hương (loại mùn cưa gỗ) với một số hương liệu như bột hồi, quế, trầm... Công việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha chế không cẩn thận hoặc không đúng liều lượng, hương sẽ không thơm...

Cũng trong câu chuyện với các người thợ lành nghề tại Yên Phụ, chúng tôi nhớ lại câu chuyện của gia đình chị Tú Hạnh (ngõ ngõ 76, phố An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) từng chia sẻ:  “Mỗi nén hương là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau một cách hài hòa từ bàn tay tỉ mỉ của những người thợ lâu năm. Mỗi hộ làm hương lại có một cách chế tạo ra mùi khác nhau để nơi thờ cúng của các gia đình trở nên ấm cúng hơn. Hầu hết nguyên liệu làm hương tại Yên Phụ đều có nguồn gốc tự nhiên nên được khách hàng Thủ đô và các tỉnh lân cận rất ưa chuộng”... 

Công việc làm hương ở Yên Phụ nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm. Thời điểm này, các cơ sở tại Yên Phụ lúc nào cũng tất bật chuẩn bị cho vụ hương Tết.

Những ngày cuối năm, có dịp đặt chân tới mảnh đất Yên Phụ chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tấp nập của những người làm nghề. Họ tỉ mỉ, cần mẫn và làm việc ngày đêm để tạo ra những bó tăm hương đỏ rực như những "đóa hoa" dưới nắng. 

Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, mặc cho có những lúc nghề tưởng như bị mai một nhưng những người lao động tại làng nghề truyền thống hương Yên Phụ vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ. 

HÀ ĐỊNH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu