06:00 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng gốm truyền thống Gia Thủy vẫn luôn “đỏ lửa”

08:04 10/07/2021

(THPL) - Nhắc tới làng gốm truyền thống, nhiều người vẫn thường nghĩ ngay tới những cái tên quen thuộc như: Bát Tràng, Phù Lãng, Thanh Hà...nhưng cũng có những làng gốm non trẻ hơn đang nối tiếp gìn giữ nghề này. Dù còn nhiều gian nan trên hành trình phát triển, làng gốm Gia Thủy (Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vẫn từng ngày trỗi dậy, góp phần ổn định kinh tế địa phương và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Theo tìm hiểu từ các cụ cao niên trong làng chia sẻ: Gốm Gia Thủy mới có tuổi đời khoảng 50 năm. Nghề làm gốm phát triển tại địa phương bởi những người thợ gốm có gốc gác từ Thanh Hóa. Sở dĩ Gia Thủy được chọn để phát triển nghề gốm bởi có chất đất sét đặc trưng, phù hợp với nghề gốm. 

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và phát triển. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.

Để làm ra được một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận tránh sai sót. Đất sét khi lọc qua nước sẽ được loại bỏ tạp chất, cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm. Công đoạn phơi đất cần cẩn thận bởi đất phơi khô quá không làm được gốm mà ướt quá cũng khó làm gốm.

Gốm Gia Thủy có tuổi đời khoảng 50 năm.
Gốm Gia Thủy phát triển tại địa phương bởi những người thợ gốm có gốc gác từ Thanh Hóa. 

Vì thế khi phơi, người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất. Đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Đất sét làm gốm ở Gia Thủy có màu vàng nên rất tốt khi làm gốm, khi sản phẩm ra lò cũng có độ bền, óng đẹp rất cao.

Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài và tròn để khi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng hơn.

Thời kỳ đầu làm gốm, gốm Gia Thủy thường chỉ là những sản phẩm trơn như chum, vại, vò, nồi, niêu, ngói gốm... Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trang trí sản phẩm mang tính nghệ thuật, mỗi nghệ nhân gốm dần trở thành họa sĩ, tạo ra hình họa hoa văn trên các sản phẩm như tranh tứ quý, hoa sen, phong cảnh làng quê…

Không chỉ học thêm các kỹ thuật đắp hoa văn qua sách, học hỏi qua các làng nghề trong toàn quốc như Bát Tràng, Phù Lãng, các nghệ nhân gốm Gia Thủy còn tham gia nhiều hội chợ để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm để các sản phẩm tới tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng cũng như tính mỹ thuật.

Đất sét làm gốm ở Gia Thủy có màu vàng nên rất tốt khi làm gốm, khi sản phẩm ra lò cũng có độ bền, óng đẹp rất cao.

Vừa đắp hoa văn lên sản phẩm, nghệ nhân Đinh Quang Hà vừa cười xòa chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm tạo ra sản phẩm gốm đẹp, chất lượng. Theo nghệ nhân Hà: Để có thể theo nghề đến ngày hôm nay chính là bởi sự yêu nghề, niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống. Gắn bó với nghề gần 40 năm qua, được công nhận nghệ nhân từ năm 2014, bản thân anh tin rằng mỗi sản phẩm gốm thủ công là câu chuyện, tâm tư, tình cảm của người thợ gốm gửi vào trong đó, nên thường có nét riêng tạo nên đặc trưng sản phẩm. Nhiều thập kỷ qua, những nghệ nhân gốm Gia Thủy đã tiếp nối và phát huy truyền thống cha ông, say mê, gắn bó với những sản phẩm gốm cổ truyền.

Cũng trong câu chuyện với nghệ nhân Đinh Quang Hà, chúng tôi nhớ tới câu chuyện mà ông Đinh Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND Gia Thủy từng khẳng định: “HTX gốm Gia Thủy đóng góp khoảng 1/4 tổng thu nhập toàn xã. Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện về nguồn nguyên liệu, hỗ trợ HTX, xã viên HTX vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô phát triển”.

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất, các nghệ nhân làng gốm Gia Thủy đã biết tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Tạm biệt những người nghệ nhân làng gốm Gia Thủy, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tất bật hoàn tất các lô hàng kịp phục vụ người tiêu dùng. Khung cảnh đó để lại cho chúng tôi cảm giác thư thái, bình yên nơi mảnh đất Gia Thủy yêu dấu…

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu