03:40 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng dệt truyền thống Hồi Quan - Nét đẹp văn hóa vùng đất Kinh Bắc

11:09 16/03/2021

(THPL) - Trải qua biết bao biến cố và thăng trầm của thời gian, sau luỹ tre làng báu vật truyền thống vẫn được gìn giữ và phát triển đến nay, đó chính là nghề dệt truyền thống ở làng Hồi Quan, TX. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương, rồi qua Quốc Lộ 1A, 1B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng tôi tới với làng dệt truyền thống Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Đất Hồi Quan vốn tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang nhưng người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.

"Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề dệt ở Hồi Quan rất phát triển. Hầu như nhà nào cũng có vài khung dệt, có nhà nhiều tới cả chục khung. Ban đầu, người dân Hồi Quan dệt vải bằng những khung cửi truyền thống, dệt khổ nhỏ với phương pháp thủ công để dệt vải màn, đũi, vải dày, vải màu kẻ đổ dọc, vải tơ tằm...

Với tính cần cù, chịu khó cộng với đôi bàn tay khéo léo, người dân trong làng đã làm ra những sản phẩm dệt độc đáo mang sắc thái riêng, phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và các tỉnh lân cận.

Được biết, vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề dệt ở Hồi Quan rất phát triển. 
Người dân trong làng đã làm ra những sản phẩm dệt độc đáo mang sắc thái riêng, phục vụ nhu cầu của tiêu dùng

Bước vào thời kỳ đổi mới, bằng sự năng động, sáng tạo, người dân trong làng phát triển thêm với các khung dệt khổ rộng kết hợp khung sử dụng máy công nghiệp để dệt các mặt hàng như: Gạc y tế, khăn trẻ sơ sinh, vải khổ rộng, sợi xe cung cấp cho nhà máy sản xuất giày dép, khăn mặt… Đồng thời, mở rộng thêm nghề dệt mành tăm và gia công quần áo trẻ em, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia.

Những ngày đầu xuân, có dịp đến với làng Hồi Quan, vừa bước tới cổng làng đã tạo cho chúng tôi không khí thực sự thoải mái của vùng quê Việt Nam. Từ đây, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại là con đường lát gạch chỉ đã mòn theo thời gian. Đi sâu vào từng xóm ngõ chúng tôi đã nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong.

Toàn xã có hơn 3.700 hộ dân, hiện đã có hơn 400 hộ làm nghề dệt với số lượng lao động hơn 1.000 người và 15 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực này. Mỗi ngày tại đây sản xuất được 38.000m2 vải thô, 1.400 kg khăn các loại và hơn 6.000m2 vải y tế. Nguyên liệu sản xuất gồm sợi thô, sợi PE, sợi cotton.

Đặc biệt, nghề dệt Hồi Quan đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nghề dệt tuy là nghề phụ được làm khi nông nhàn nhưng lại đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm dệt truyền thống tại làng Hồi Quan, nghệ nhân Dương Thị Ý - Người sở hữu khung cửi cổ nhất của làng Hồi Quan chia sẻ: “Có người từ Hà Nội về xin mua lại chiếc khung cửi, nhưng già không bán. Già phải để lại cho con cháu làm vốn, để chúng nó biết quý trọng cái nghề truyền thống của gia đình, của làng xã”...

Vượt qua không ít khó khăn và vất vả, người dân làng Hồi Quan luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi, đổi mới để không ngừng hoàn thiện sản phẩm của làng nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Cũng nhờ coi trọng giữ gìn nghề truyền thống, người dân Hồi Quan đã và đang lưu giữ một nét văn hóa của ông cha ta và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu