13:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làm sao để ngành bán lẻ giữ thị phần hàng Việt

Kim Sinh | 09:36 22/04/2021

(THPL) - Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Với sự chung tay của các nhà bán lẻ nội địa, hàng Việt đang quyết tâm tìm cách nâng cao vị thế trong các kênh phân phối hiện đại.

Giữ vị thế hàng Việt

Trước hết nói về đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Hàng Việt quyết tâm giữ vững vị thế

Cụ thể, Đề án có trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, đề án cũng hướng đến trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% DN biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% DN tham gia phong trào này. 100% các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của DN nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Trước đó, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 đã được thực hiện thành công với gần 3.000 tin, bài, chương trình truyền hình thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo hình, báo điện tử, hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước; tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường với các đối tượng ưu tiên nhân viên làm việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ cá thể…

Đặc biệt, sau khi triển khai Đề án trong thời gian khoảng 6 năm, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Trong thời gian qua đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trên cả nước, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam“. Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.

Bán lẻ nội phát huy vai trò

Theo Bộ Công thương, trước đó, trong lần triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2019, những nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, Vinmart+ và Vinmart… đã tích cực trong việc đồng hành phát triển cùng đề án.

Doanh nghiệp Việt hỗ trợ tối đầu ra sản phẩm cho người nông dân

Điển hình như Saigon Co.op. Trong suốt nhiều năm qua, nhà bán lẻ này đã bền bỉ trong hành trình đưa hàng Việt chất lượng, giá cả phải chăng đến tay người tiêu dùng thông qua những chính sách ưu đãi để các nhà phân phối dễ dàng tiếp cận. “Phát huy thế mạnh là một trong những hệ thống phân phối chủ lực, với nhiều mô hình bán lẻ mới, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như đầu tư ứng vốn cho nông dân và HTX, tìm kiếm vùng nguyên liệu, tăng cường gặp gỡ và đối thoại nhằm tạo liên kết, liên doanh với các địa phương, DN, nhà sản xuất trong nước. Duy trì và phát triển chương trình “Tự hào hàng Việt”, số lượng tham gia của các nhà sản xuất trong nước tăng hàng năm; liên tục thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mãi; dự trữ, cung ứng đầy đủ hàng hóa và ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu vào các dịp lễ tết, thiên tai, dịch bệnh. Đơn vị cũng kịp thời thu mua và tiêu thụ nông sản”, đại diện Saigon Co.op cho biết.

Báo cáo của Saigon Co.op cho thấy, đến nay, Saigon Co.op đã phát triển được gần 1.000 điểm bán tại 43 tỉnh thành; thu hút khách hàng đến mua sắm đạt 350.000 lượt/ngày; doanh thu bình quân hàng năm tăng 8,2% và dự ước đang chiếm 34% thị phần doanh thu bán lẻ hiện đại của cả nước. Việc Saigon Co.op với mạng lưới bán lẻ rộng khắp, trải đều khắp cả nước đã kéo theo lượng khách hàng tăng mạnh, giúp thúc đẩy tiêu thụ một lượng hàng Việt cực lớn, góp phần đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng hiệu quả. Theo đó, tỷ lệ hàng Việt tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op luôn chiếm trên 90%, trung bình một siêu thị Co.opmart kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng, bình quân mỗi tháng Saigon Co.op đưa 1.700 mặt hàng mới lên kệ.

Trong giai đoạn tới, Saigon Co.op cho biết sẽ triển khai thêm hàng loạt giải pháp để hỗ trợ DN Việt, điển hình là chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa, tăng thời gian bán thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu cho các HTX nông nghiệp đạt chuẩn. Mục tiêu của nhà bán lẻ này là sẽ thực hiện tiếp 6 chương trình, 2 công trình trọng điểm, có thể kể đến như chương trình “Kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt; xây dựng vùng nguyên liệu Liên hiệp; cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình “Phát triển tổng thể và hoàn thiện chuỗi cung ứng”...

Ngoài Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) cũng được đánh giá là đơn vị có nhiều chương trình hỗ trợ cho hàng Việt. Theo đó, hệ thống Satra đã liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhiều địa phương như Tiền Giang, Long An, TPHCM, Lâm Đồng, đưa tổng sản lượng nông sản Việt Nam được tiêu thụ tại hệ thống của Satra vào khoảng 350 tấn/tháng. Ngoài nông sản, hệ thống này cũng phân phối đa dạng các danh mục hàng hóa gồm đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nước uống của các nhà sản xuất nội địa.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, chính sự chủ động, đồng hành của các nhà bán lẻ đã góp phần giúp tỷ lệ hàng Việt trong các kênh phân phối hiện đại luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, ở Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… Từ đó góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước hiệu quả.

Kim Sinh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu