14:48 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lâm Đồng: Virus lạ làm cà chua chết hàng loạt

21:44 23/12/2017

(THPL) - Với gần 2.500ha bị nhiễm bệnh, hơn 140ha bị nhổ bỏ, hiện người dân Lâm Đồng – vùng trồng cà chua lớn nhất nước – đang khốn đốn bởi cây trồng nhiễm bệnh.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (CCTT-BVTV) Lâm Đồng vừa phối hợp với các chuyên gia Trung tâm Rau thế giới (AVRDC - trụ sở tại Đài Nam, Đài Loan, Trung Quốc) tiến hành lấy mẫu tại vườn ở một số khu vực đang bị nhiễm bệnh nặng thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Bước đầu, các chuyên gia nhận định ngoài một số loại virus gây bệnh cho cà chua đã biết, có loại virus mới, chưa được nói tới ở Việt Nam.

gia-ca-chua-2
Các chuyên gia lấy mẫu bệnh tại Khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt. Ảnh: SGGP

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục trưởng CCTT-BVTV Lâm Đồng, mỗi năm tỉnh này có trên 12.000ha rau họ cà, tập trung tại các huyện  Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và TP Đà Lạt. Trong đó, riêng cây cà chua mỗi năm có trên 6.500ha, cá biệt năm 2013 lên tới 9.300ha. Ngoài tiêu thụ trong nước, rau họ cà của Lâm Đồng còn được xuất đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Cà chua là loại cây trồng hay gặp sâu bệnh, trong đó bệnh xoăn lá virus gây hại cây trồng nói chung và cây rau họ cà nói riêng đã xuất hiện tại Lâm Đồng từ lâu. Từ tháng 7-2016, bệnh đột biến gia tăng trên cây rau họ cà, ban đầu chỉ gây hại 30ha tại các xã Ka Đơn, Tu Tra (Đơn Dương), xã Phú Hội (Đức Trọng), sau đó lan rộng và trong năm 2017 đã có trên 2.500ha bị nhiễm, phải nhổ bỏ 140ha.

Một số cây trồng khác như hoa cúc, rau xà lách, su su và chanh dây cũng bị nhiễm bệnh ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là hoa cúc đang nhiễm hàng loạt, gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp của nông dân. Tuy nhiên, bệnh do virus không có thuốc BVTV để phòng trừ trực tiếp, phải phòng trừ gián tiếp các côn trùng truyền bệnh và quản lý hoạt động của người lao động nên rất khó khăn.

Trước tình hình đó, trung tâm đã kết nối với Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (người nhiều năm gắn bó với cây cà chua Lâm Đồng, từng tạo ra gốc cà chua kháng bệnh héo rũ vi khuẩn và kỹ thuật ghép cà chua) để nắm tình hình, trước khi Tiến sĩ Chii-Jeng Wang, chuyên gia lai tạo cà chua, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Khuyến nông huyện Hoa Liên (Đài Loan) cùng Tiến sĩ Lawrence Kenyon đi thực tế tại các địa phương của tỉnh Lâm Đồng.

Tiến sĩ Lawrence cho biết: Ông khá bất ngờ vì phần lớn virus trên đồng thuộc một loại mới, đã được phát hiện tại các nước trong khu vực cách đây vài năm, lâu nay chưa thấy nói có ở Việt Nam. Ông cũng cho rằng đa số các loại virus này không lây lan qua hạt giống, trừ virus TMV sẽ định danh sau. Tỷ lệ cây bị hại phải nhổ bỏ lên tới trên 50%, thậm chí có những diện tích mới 40 ngày tuổi đã phải nhổ bỏ hoàn toàn. Có nhiều con đường lây lan virus, từ các phương tiện vận chuyển, hoa quả nhập khẩu đến con người qua lại giữa các ruộng, các vùng và thậm chí giữa các nước…

Định danh các loại virus hiện có trên cà chua ở Lâm Đồng là một trong những việc quan trọng trong việc xác định các biện pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ vùng rau Lâm Đồng. Dự kiến khoảng trung tuần tháng 1-2018, AVRDC sẽ giúp Lâm Đồng lập danh mục kèm hình ảnh triệu chứng bệnh trên đồng ruộng của các loại virus, để giúp cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân nhận dạng và những biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả hơn. Về lâu về dài, có thể hợp tác nghiên cứu sản xuất giống cà chua có khả năng chống chịu bệnh.

Trước đó, theo báo Dân trí, vào tháng 6 năm nay, bệnh xoăn lá virus đã tàn phá hơn 70% diện tích cà chua của tỉnh Lâm Đồng khiến sản lượng loại nông sản này giảm mạnh. Nhiều nhà vườn lỗ nặng nên ồ ạt nhổ bỏ loại cây này để thay thế cây trồng khác.

gia-ca-chua
Cà chua Đà Lạt khi bị dịch xoăn lá hành. Ảnh: Dân trí

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Lâm Đồng là địa phương chiếm 33% diện tích và 50% sản lượng cà chua của cả nước, nhưng do bệnh xoăn lá virus hoành hành, chưa có thuốc đặc trị nên diện tích cà chua của Lâm Đồng thời gian đó giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng hơn 1.000 ha và năng suất rất kém.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu