06:35 ngày 17/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD

07:49 25/05/2024

(THPL) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023

Tính từ đầu năm đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổng cục Hải quan, cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta đều có tăng trưởng dương gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia. Đặc biệt, trong đó có 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc).

Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất với con số đạt trên 20%.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Trước đó, khi chia sẻ về hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ, ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh từng nhận định, xuất khẩu của ngành gỗ và nội thất đang đứng thứ 6 trong các nhóm ngành hàng tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước. 

“Đơn hàng của ngành gỗ đã trở lại, thị trường xuất khẩu phục hồi hơn, song doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm thêm thị trường mới để đa dạng thị trường, giảm bớt khó khăn”, ông Đặng Quốc Hùng nói.

Cũng theo vị này, hiện nay thị trường Đông Nam Á trở thành thị trường tiềm năng của ngành gỗ và nội thất. Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội tìm đường để đưa sản phẩm này vào thị trường Đông Nam Á.

Liên quan đến ngành gỗ, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn. 

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái... đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước.

Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao.

Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài...

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Vì vậy, để ngành gỗ đạt mục tiêu và phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu