21:00 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khởi sắc trong tháng đầu năm 2024

Minh Anh (t/h) | 11:12 27/02/2024

(THPL) - Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong tháng đầu năm 2024 khi đạt kim ngạch 1,49 tỷ USD, tăng trưởng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,49 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta. 

Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu (EU) trong tháng đầu năm 2024 đã nổi lên “điểm sáng”, đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hà Lan tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, trong tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan ước đạt 9,2 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng 12/2023 và tăng tới 93,8% so với tháng 1/2023.

Với kết quả này, một số chuyên gia ngành gỗ cho biết, do việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga nên Hà Lan đang có nhu cầu gia tăng nhập khẩu gỗ viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hà Lan hiện là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của Việt Nam trong EU. Tuy nhiên, Hà Lan cũng là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này thì việc đáp ứng tiêu chuẩn lại càng hết sức quan trọng.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khởi sắc, đạt 1,49 tỷ USD trong tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang vô cùng lo lắng, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Đó là rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển ra thông báo dừng vận chuyển hàng hoặc thay đổi lịch trình, khiến cước vận tải gia tăng...

Năm 2023, mặc dù có một số thị trường có sự tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 52%..., nhưng nhìn chung tình hình xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Đây là năm đầu tiên ngành xuất khẩu có thế mạnh đứng thứ 6 của Việt Nam này ghi nhận tăng trưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua. Năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất chỉ đạt 16 tỷ USD, giảm 14,8% (giảm hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu chung là 4,6%).

Cũng liên quan đến ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam(VIFOREST) cho rằng, hiện cước vận tải container 40 feet từ Việt Nam sang châu Âu chỉ còn 3.786 USD, tuy vẫn còn rất cao so với các năm trước nhưng đã giảm so với tháng 1/2024. Hiện VIFOREST đang theo dõi sát sao những biến động về vận tải hàng hóa trên thế giới, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ để giảm thiểu tác động.

Dự báo về tình hình xuất khẩu của ngành lâm sản năm 2024, ông Lập cho biết với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng đầu năm, cùng những thuận lợi đang có, ngành chúng tôi phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu