09:17 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Khánh Hòa : Nhà máy sản xuất giấy “ trá hình’ trong khu dân cư.

Hữu Long, Mạnh Hùng, Nguyễn Phong | 09:08 17/10/2024

( TH&PL) - Một cơ sở sản xuất giấy nằm trong khu dân cư tại xã Diên Phước, huyện Diên Khánh hoạt động từ nhiều năm khiến người dân xung quanh lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nhà máy sản xuất trá hình?

Phản ánh với Thương hiệu & Pháp luật, người dân tại thôn Phước Long 2, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh cho biết, trong khu vực dân cư sinh sống có một nhà máy sản xuất giấy tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường. Tiếp nhận thông tin, PV đã nhiều ngày tiếp cận cơ sở này để ghi nhận thực tế.

Công nhân đang vận hành máy cắt bìa carton ( Ảnh : Mạnh Hùng)



Tại khu vực người dân phản ánh, chúng tôi nhận thấy một nhà xưởng rộng khoảng 1000m2 có kết cấu bằng khung thép tiền chế. Phía sau của xưởng này có bể chứa bằng bê tông xây nổi có chiều cao chừng 3m. Trên mặt của bể chứa có hệ thống khuấy trộn kết hợp với chuyền đẩy chất thải rắn ra bên ngoài. Phía sau nhà xưởng là khu đất rộng được cơ sở này làm nhà kho chứa một loại bột màu xanh xám như bột đá nghiền, ngoài ra mặt bằng này còn là sân phơi các tấm giấy bìa to bản mới được sản xuất. Mặc dù hoạt động bên trong nhưng cơ sở này không có bảng hiệu và luôn đóng cửa ở bên ngoài.

Các loại chất thải rắn được xả từ hệ thống sàng trên hồ chứa ra môi trường tự nhiên ( Ảnh : Hữu Long )

Hoạt động có phát sinh ô nhiễm ?

Thâm nhập vào trong nhà máy, chúng tôi chứng kiến rất nhiều thiết bị máy ép, máy cắt.vv. Luôn có ít nhất từ 6 đến 8 công nhân túc trực vận hành các thiết bị tại đây.Trong ngổn ngang máy móc thiết bị và giấy lộn, tại xưởng còn có một kho chứa chất bột như tại kho chứa bên ngoài. Trong một lần tiếp cận, chúng tôi ghi nhận nam công nhân không mang mặc đồ bảo hộ, đi dép lê dùng xe “ rùa” chở một chất sền sệt ( bột màu xanh xám đã trộn nước – PV) ra ngoài và đổ trực tiếp ra nền đất. Công nhân này cho biết đây là những phần bột bị vón cục không thể cán ra giấy nên phải loại bỏ. Những vật cứng hơn sẽ bị loại bỏ từ trước thông qua thiết bị sàng trên nóc hồ chứa và chảy ra sau vườn.

Chất thải được đổ bừa bãi. ( Ảnh: Mạnh Hùng)

Dưới chân bể chứa có một hệ thống mương nước kết nối với một loạt thiết bị mà chúng tôi chưa xác định được công năng. Từ mương nước này bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu khả năng cao là nước thải sẽ chảy trong hệ thống mương bao quanh xưởng và thẩm thấu ra môi trường vì chúng tôi không ghi nhận nguồn nước xả ra hệ thống tiêu nước của địa phương.     

“Họ hoạt động từ nhiều năm nay, bên ngoài thì đóng kín cổng nhưng bên trong họ gia công giấy với khối lượng rất lớn. Toàn bộ rác thải, bột giấy sau khi gia công đều được họ vứt thẳng ra môi trường xung quanh” - một người dân cho biết.

Kho bột màu xanh xám được quây quanh bằng các kiện giấy lộn ( Ảnh: Nguyễn Phong)

“ Gia đình tôi chăn nuôi gia súc ở cạnh xưởng, tuy không thấy có nước thải chảy ra từ đây nhưng mùi hôi thối thì không thể tránh khỏi. đặc biệt là nguồn nước có bị ô nhiễm, tôi đã từng phản ánh việc nước giếng khoan có màu đen và mùi thối không thể cho gia súc uống được và chính quyền cũng đã từng đến đây ghi nhận mẫu nước.”- Anh P cho biết.
 Quá trình ghi nhận cũng cho thấy, nằm ở phía sau - cách nhà máy không xa, toàn bộ rác thải từ hoạt động gia công như gỗ tạp, bột giấy, rác thải rắn… đều không được xử lý mà bị vứt ra xung quanh.

Chính quyền cơ sở thiếu kiểm tra hay có sự buông lỏng ?


Sau nhiều ngày đeo bám sưu tập chứng cứ, chúng tôi đã liên hệ với UBND xã Diên Phước. Ông Hồ Văn Nam - Chủ tịch UBND xã - xác nhận, cơ sở gia công giấy nói trên là hộ kinh doanh, do bà Ngô Thị Việt (SN 1970) làm chủ. Cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh từ năm 2018 đến nay. Toàn bộ diện tích đất làm xưởng được xác định là đất ở và được cấp phép làm kho vật liệu.

Chúng tôi cũng được cung cấp Giấy chứng nhận Đăng ký hộ kinh doanh mang tên Ngô Thị Việt do Phòng TCKH huyện Diên Khánh cấp năm 2018 với nghành nghề kinh doanh được cho phép là “ Gia công dán nhãn bìa lịch carton”.

Chứng nhận Đăng ký hộ kinh doanh của bà Việt ( bản chụp)

 Ngoài ra, PV còn được tiếp cận một bản thông báo “Tạm ngừng hoạt động kinh doanh” gửi  UBND xã Diên Phước đề ngày 1/4/2024 do bà Ngô Thị Việt kí ban hành. Theo nội dung thông báo này, do làm ăn khó khăn nên cơ sở đã tạm dừng kinh doanh, hiện nay đang duy trì số ít công nhân bảo vệ nhà xưởng và tiêu thụ bớt hàng hóa tồn đọng..

Thông báo tạm dừng kinh doanh của bà Việt ( bản chụp)

Trái với những gì bà Việt và ông Nam thể hiện, nhiều ngày liên tục trong tháng 9 và tháng 10, chúng tôi đã có mặt vào những thời điểm, khung giờ khác nhau và luôn ghi nhận xưởng này vẫn hoạt động. Chỉ khi phát hiện có người lạ quan sát thì ngay lập tức các cánh cửa được đóng lại có chủ ý.

Công nhân đang làm việc với thiết bị tại bể chứa ( Ảnh: Nguyễn  Phong)

 Với những gì đã ghi nhận cho thấy mặc dù chỉ được cho phép là gia công, dán nhãn bìa lịch carton nhưng trên thực tế đây là xưởng tái chế bìa carton có quy mô lớn. Hơn thế điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho công nhân cũng bị xem nhẹ. Trên hết những hoạt động tại nhà máy này đang diễn ra một cách lén lút, có dấu hiệu trốn nghĩa vụ thuế cũng như “ lách luật” đối với một số quy định về công tác xử lý môi trường.

Hữu Long, Mạnh Hùng, Nguyễn Phong

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu