22:01 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hoàn thành cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước năm 2025

Tuấn Nguyễn | 19:13 11/05/2023

(THPL) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Thông báo số 319/TB-VPCP sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng từ cuối năm 2021. Dù việc thủ tục đầu tư kéo dài nhiều năm, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh khó “chồng” khó nhưng hiện các nhà đầu tư vẫn thể hiện quyết tâm đồng hành cùng tỉnh Cao Bằng để theo đuổi con đường mở ra tương lai phát triển đột phá cho địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) trước năm 2025 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, kiên quyết thực hiện việc cắt giảm các dự án chưa cấp bách, hiệu quả thấp, cắt giảm số lượng dự án đầu tư công chưa cấp bách để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Phối cảnh một công trình hầm đường bộ trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Phối cảnh một công trình hầm đường bộ trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nguồn: TL.

Thủ tục đầu tư kéo dài

Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Bộ GTVT lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, với chiều dài 144km, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng hồi tháng 3/2016. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, khảo sát nhưng họ đều không quay trở lại.

Cho đến cuối năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả theo lời mời của tỉnh Cao Bằng đã tham gia nghiên cứu triển khai dự án và đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 6 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, giảm tổng mức đầu tư xuống còn gần 23 nghìn tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu.

Đến tháng 8/2020, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án thuộc nhóm A, được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn đang “loay hoay” ở công tác chuẩn bị dự án. Việc thủ tục đầu tư kéo dài nhiều năm kéo theo dự án lỡ “thời điểm vàng” khi mà các điều kiện tài chính, cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, bất động sản thuận lợi… hấp dẫn các nhà đầu tư khác tích cực tham gia như tại thời điểm được đề xuất vào năm 2018-2020.

Thời gian qua, lãnh đạo địa phương cùng các nhà đầu tư quan tâm dự án đã nỗ lực không ngừng nghỉ để khắc phục những khó khăn, quyết tâm đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án.

Cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh các nhà đầu tư quan tâm dự án tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thỏa thuận cam kết huy động vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỉ đồng để đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là dấu mốc được đánh giá là bước tiến quan trọng của dự án, đẩy nhanh quá trình huy động nguồn lực để hiện thực hóa tuyến đường này. Cũng theo đó, ngoài phần vốn ngân sách Nhà nước và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, đối với phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ đồng hành cùng Nhà nước để huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đến tháng 5/2022, ngân hàng VPBank cũng đã cam kết phát hành bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và tài trợ 4.366 tỷ đồng cho dự án. Như vậy, trách nhiệm về nguồn vốn cho dự án đã được các bên là Nhà nước, nhà đầu tư quan tâm dự án và tổ chức tín dụng thống nhất.

Trên tinh thần tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo phần vốn ngân sách địa phương tham gia dự án này, tỉnh Cao Bằng đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cắt giảm 22 dự án đầu tư công khác với tổng số vốn là 4.080 tỷ đồng để dồn toàn bộ nguồn lực cho dự án cao tốc. 

Hình ảnh thác Bản Giốc được mô phỏng ở cửa một đường hầm trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Hình ảnh thác Bản Giốc được mô phỏng ở cửa một đường hầm trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Cần sớm có con đường

Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ: “Tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội như du lịch, kinh tế cửa khẩu và các loại hình kinh tế khác. Tuy nhiên, khó khăn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.”

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được xác định là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Cao Bằng, tạo "tính đồng bộ" để tăng cường thông thương, khai thác tối ưu hiệu quả toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cao Bằng, thúc đẩy phát triển cho địa phương và khu vực, đồng thời bảo đảm an ninh - quốc phòng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết, từ năm 2018, khi tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được nghiên cứu, đã có nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị đến đề xuất đầu tư, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh. Vấn đề quan trọng nhất là triển khai được tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đúng tiến độ.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước và địa phương, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lại được đánh giá là dự án “khó nhằn”, thường sẽ được ưu tiên đầu tư công thay vì đầu tư PPP. Trên thực tế, nhiều dự án giao thông khác như cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Phú Thọ - Tuyên Quang, Hoà Bình - Mộc Châu… dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với Đồng Đăng - Trà Lĩnh để thực hiện đầu tư PPP nhưng vẫn được đầu tư công.

Cùng với việc thủ tục đầu tư kéo dài nhiều năm, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh khó “chồng” khó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thể hiện quyết tâm đồng hành cùng tỉnh Cao Bằng để theo đuổi con đường mở ra tương lai phát triển đột phá cho địa phương.

Nói về những vướng mắc cản trở việc triển khai dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án, đồng thời, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công. Nếu phương án mà nhà đầu tư này đưa ra được sự phê duyệt, tỷ lệ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án sẽ tăng lên sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, tăng tính khả thi về tài chính để dự án được triển khai và sớm hoàn thành.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kỳ vọng nhiều vào giá trị mà cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh mang lại. Ông nhận định: "Khi thực hiện dự án này, đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư đề xuất dự án mà lãnh đạo Cao Bằng đã đồng hành. Tôi cho rằng sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, với nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai khi kết nối hạ tầng giao thông với các địa dư bất động sản, dịch vụ logistics, cửa khẩu… Dự án này không chỉ mang đến cho tỉnh Cao Bằng một con đường mà cả tầm nhìn chiến lược, biện pháp huy động vốn PPP, sẽ là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh còn nhiều khó khăn".

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó, địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km (đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định) và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km (đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hòa, huyện Trùng Khánh).

Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng), thực hiện từ năm 2020 2025; giai đoạn 2 đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh), thực hiện sau năm 2025.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 22.690 tỷ đồng bao gồm 13.174 tỷ đồng cho giai đoạn 1 và 9.516 tỷ đồng cho giai đoạn 2. Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1 bao gồm 6.580 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 6.594 tỷ đồng nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.

Hiện quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5 - 6 giờ. Sau khi tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, cùng với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, hiệu quả toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cao Bằng được phát huy tối đa, ước tính thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn xuống còn 2 - 2,5 giờ.

 

Tuấn Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu