02:40 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Làng mật mía Thọ Điền hoạt động hết công suất phục vụ Tết

Anh Tuấn | 13:15 18/01/2022

(THPL) - Làng Thọ Điền những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình phải huy động hết các thành viên, thậm chí thuê thêm nhân công, máy móc hoạt động hết công suất để sản xuất mật mía phục vụ Tết Nguyên đán 2022.

Nghề làm mật mía ở xã Sơn Thọ (nay là xã Thọ Điền) có tuổi đời trên 50 năm và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Trước đây, để ép được mía làm mật, người dân phải dùng trâu kéo, trung bình mỗi ngày chỉ làm được khoảng 4 chảo mật (20kg mật/chảo). Nhiều năm nay, các gia đình đã đầu tư máy ép chạy bằng điện nên việc ép mật cũng đỡ vất vả hơn, năng suất và chất lượng cũng cao hơn trước, mỗi ngày trung bình một hộ gia đình có thể làm được 12 chảo mật.

Nhiều năm nay, các gia đình đã đầu tư máy ép chạy bằng điện nên việc ép mật cũng đỡ vất vả hơn.

Theo người dân, mật mía thường sản xuất quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất. Chỉ trong vòng 1 tháng Tết, các hộ sản xuất mật mía có thể thu về từ 30 - 50 triệu đồng, những hộ làm nhiều có thể thu đến cả trăm triệu đồng. 

Gia đình anh Trần Sỹ Nam (thôn 5, xã Thọ Điền) có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm mật mía. Dự kiến năm nay gia đình anh sẽ thu mua khoảng 600-700 tấn nguyên liệu, trung bình cứ 1 tấn mía tươi sẽ cho ra 1 tạ mật thành phẩm. “Giá mật hiện đang dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, năm nay gia đình tôi sẽ thu về cả trăm triệu đồng”, anh Nam phấn khởi.  

Nguyên liệu để làm mật mía chủ yếu là mía xanh, cứng và nhiều nước

Để có được những giọt mật thơm ngon, người làm nghề nơi đây phải triển khai qua nhiều công đoạn: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu mật, chắt mật, đóng chai. Mía được dùng để ép chủ yếu là mía xanh, cứng và nhiều nước. Đặc biệt, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo khoảng 4 tiếng đồng hồ, đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật để tránh bị cháy phía dưới và tạo độ sánh, mịn.

Khi nước mía chuyển qua sền sệt, có màu nâu vàng, công việc nấu mật mới hoàn tất. Người dân đổ những mẻ mật nấu thành phẩm ra thùng đựng. Mật mía Thọ Điền không chỉ được khách hàng trong tỉnh ưa chuộng mà còn bán ra các tỉnh khác, sản phẩm làm ra tới đâu bán hết tới đó.  

Mật mía Thọ Điền được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng

Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: "Toàn xã sản xuất gần 27 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 150 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân khoảng 4,5 tỷ đồng. Nghề làm mật mía giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả khu vực miền núi. Nếu so với cây hoa màu như: lúa, ngô, lạc… thì thu nhập từ làm mật mía mang lại cao gấp khoảng 4 lần, đầu ra ổn định hơn”.

Anh Tuấn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu