16:00 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giáo dục vượt khó chuyển đổi số

An Hà | 16:00 06/02/2022

(THPL) - Chuyển đổi số hẳn không phải là câu chuyện mới của ngày hôm qua. Từ hai thập kỷ qua khi công nghệ thông tin, mạng internet được sử dụng rộng rãi trong đào tạo, giáo dục, chuyển đổi số đã được đặt ra, nhưng phần nào còn mơ hồ, bởi chưa thực sự có những lý do để các cơ sở giáo dục thực sự chuyển mình. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay, điều này tất lẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.

Còn đó nhiều rào cản

Theo kết quả khảo sát online của giáo viên, hiện có khoảng hơn 87% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông và giờ dạy lý thuyết, hơn 70% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh. Chưa kể, một số nơi ứng dụng công nghệ thông tin một cách rất đơn sơ khi giáo viên cho rằng chỉ cần đưa powerpoint vào để giảng dạy đã chuyển đổi số. Một số nơi khác thì dùng Zoom, Canvas... và gọi là chuyển đổi số mà quên đi nội dung quan trọng nhất là phương pháp và chương trình.

Ở một số địa phương, nhiều trường chưa triển khai dạy học Tin học và “trắng” giáo viên bộ môn này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học vẫn cơ bản bỏ ngỏ bởi không có thiết bị. Từ đó khiến khả năng soạn giáo án điện tử, dạy học ứng dụng công nghệ của các thầy cô hạn chế. Giáo viên muốn đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng tiết dạy từ vận dụng công nghệ thôngt in đều không có điều kiện.

Thầy Hà Trần Hồng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, Trường có hơn 500 học sinh nhưng hiện chưa có phòng máy tính, các em chỉ học Tin học trên lý thuyết, không thực hành. Để triển khai dạy học môn Tin học, thời gian tới trường cần được đầu tư ít nhất 1 phòng máy tính với 60 đầu máy, đường truyền mạng. Trường cũng chưa thể triển khai dạy học trực tuyến bởi 100% học sinh dân tộc, gia đình khó khăn không có thiết bị. Đặc biệt, sóng internet còn chưa tới nhiều nơi. 

Trường PTDTBT Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) có gần 600 học sinh, 1 điểm chính và 6 điểm lẻ nhưng chỉ có 5 máy chiếu (trong đó 1 máy chiếu lắp phòng hội đồng; 2 máy chiếu cho lớp 1, 2 máy chiếu cho 10 lớp học các khối từ 2 - 5). Theo cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Pa Ủ, vì số lượng máy chiếu quá ít nên mỗi giáo viên chỉ được đăng ký mượn để giảng dạy trên lớp 1 lần/tháng. 

Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã triển khai chuyển đổi số trên 2 nội dung chính là sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến để kích thích học sinh học tập và kiểm tra đánh giá trực tuyến. Tuy vậy, do số giáo viên thành thạo công nghệ thông tin còn hạn chế nên hiệu trưởng nhiều lúc phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Thậm chí, dù đã được tập huấn, song không phải giáo viên nào cũng thao tác thành thạo công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến. Hơn thế, giáo viên quen dạy học theo phương pháp truyền thống nên không tránh được những lối mòn, phương pháp cũ đã ăn sâu khi truyền tải kiến thức cho học sinh.

Nói về việc chuyển đổi số tại cơ sở, đại diện một số nhà trường cho hay, dù việc tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ hiện nay không là vấn đề mới nhưng vẫn còn giáo viên lớn tuổi, khả năng tiếp cận chậm. Giáo viên cũng không được đào tạo chuyên sâu công nghệ thông tin để khai thác, ứng dụng vào dạy học. Do đó, ít nhất trong 2 năm tới, vai trò hỗ trợ đối với giáo viên về công nghệ thông tin vẫn là đòi hỏi bức thiết.

Tầm nhìn chiến lược

Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, để thực hiện được chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là một thách thức khổng lồ. Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở nước ta một cách thực chất thì cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và sự thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục đến từng thầy giáo, cô giáo, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Vậy nên để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”. Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải, trong giai đoạn 2021-2025 Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số.

Với cương vị là tư lệnh ngành Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số, qua đó vận hành tốt hơn, kết nối hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.

Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. “Nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Đề cập đến một số vấn đề được cho là “khó” khi triển khai chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số; là sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành; là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra dù có khó khăn.

Đưa ra góp ý để tăng tốc chuyển đổi số, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng nêu lên 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết là công nghệ; con người, học liệu, phương pháp học tập và cuối cùng là quản trị, chính sách. Cụ thể, theo ông Thắng, quá trình quản trị từ Bộ đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ý kiến của đại diện Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, chuyển đổi số đòi hòi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó.

Theo vị này, nếu như ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, chuyển đổi số yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và có thể tiếp cận được trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Đường truyền internet ổn định là yếu tố đương nhiên cần phải có để platform này hoạt động.

Ngoài ra, để vận hành một hệ thống như vậy đương nhiên đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi. Những lãnh đạo cơ sở giáo dục phải tìm ra cách thức nắm bắt những gì có thể trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích giảng dạy. Người lãnh đạo cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Chuyển đổi số cũng không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải hình dung được họ sẽ nhìn thấy học sinh của mình học tập như thế nào nếu không trực tiếp gặp mặt và họ có thể nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học.

Tất nhiên trong quá trình này họ luôn phải có sự hỗ trợ đồng hành của các nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia công nghệ để đảm bảo việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Giáo viên cũng cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, giữ được học sinh trong lớp học, duy trì sự chú tâm của học sinh vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Giáo viên là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển đổi số.

An Hà

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu