03:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt giữ vững vị thế tại các thị trường trọng điểm

Tú Chi (T/h) | 14:57 03/05/2024

(THPL) - Theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường châu Á - châu Phi sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và thuận lợi do các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của El Nino.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tháng 4/2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn với 2,08 tỷ USD. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 1/5, loại gạo 5% đang ở mức 580 USD/tấn, tương đương với loại gạo cùng loại của Thái Lan. Loại gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (530 USD/tấn).

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Phía Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.

Gạo Việt tiếp tục giữ vững tại các thị trường trọng điểm. Ảnh minh hoạ

Theo dự báo, yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Tại thị trường châu Á - châu Phi, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và thuận lợi do các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của El Nino.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất hiện nay đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ tháng 7/2023 và dự kiến lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024. Ấn Độ thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và giảm bớt tình trạng giá tăng, nhất là trong thời điểm Ấn Độ tổ chức bầu cử. Như vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tại thị trường Philippines, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi dự báo xu hướng xuất khẩu sang thị trường này sẽ chậm lại và thị phần có thể giảm xuống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã tạo được uy tín và có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đây là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì, phát huy nhằm giữ vững thị phần tại thị trường truyền thống quan trọng này.

Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng tiếp tục đặt ra những cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam nhưng cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì mở rộng bạn hàng để giữ thị phần. Do El Nino và tốc độ đô thị hoá trong 3 năm qua thì diện tích canh tác, trồng lúa của Trung Quốc đã liên tục giảm xuống dưới 30 triệu ha, năm 2023 chỉ còn 28 triệu ha, sản lượng lúa gạo vì vậy cũng giảm liên tiếp trong 2 năm vừa qua.

Mới đây, Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh lương thực, theo đó Chính phủ sẽ chú trọng và tăng cường bảo đảm an ninh lương thực trước sự bất ổn của thị trường bên ngoài cũng như chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Trung Quốc đang có xu hướng quay lại nhập khẩu gạo nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á, vì vậy, hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

Tại khu vực Tây Á - châu Phi, tình hình căng thẳng, bất ổn tại Biển Đỏ và giá dầu tăng cao có tác động mạnh đến giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi, đặc biệt là các thị trường chính ở khu vực Tây Phi như Ghana, Bờ Biển Ngà và Senegal. Tình hình này càng làm cho các nước châu Phi khó khăn hơn khi nhập khẩu gạo từ các nhà cung cấp Đông Nam Á do giá cả trong nước tăng cao và thiếu hụt nguồn cung trong nước. Một số nước ở châu Phi trong năm 2023 cũng rất quan tâm và đặt vấn đề mua gạo Việt Nam với giá ưu đãi.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, năm 2024, Philippines sẽ nhập khẩu từ 3,8 - 3,9 triệu tấn gạo và tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Trung Quốc nhập khẩu sẽ nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn gạo. Khu vực Tây Á và châu Phi có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn gạo, tăng 62% so với năm 2023.

Cũng nhận định về các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu lớn về sản lượng.

Điển hình tại thị trường Philippines, chiếm 46,4% tổng lượng và 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1 triệu tấn. Đứng thứ hai là Indonesia, xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia cũng tăng 28,8% về lượng, 60,6% kim ngạch và 24,7% về giá so với quý I/2023, đạt 98.917 tấn.

Đánh giá từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, nguồn cung gạo toàn cầu dự báo sẽ không còn dồi dào bởi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh này, theo ông Sơn đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu