07:46 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt Nam còn nhiều tiềm năng tại thị trường Canada

Tuấn Minh (t/h) | 22:01 01/03/2024

(THPL) – Hiện nay, nhu cầu của Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm, và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. Trong bối cảnh đó, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa để vào thị trường Canada do đây là một trong những nước tiêu thụ gạo lớn bậc nhất thế giới.

Gạo Việt Nam tại Canada mới chiếm 2,9% thị phần

Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada: “Canada là nước nhập khẩu gạo phục vụ khoảng 7 triệu người gốc châu Á. Cộng đồng người Việt tại Canada hiện đã lên đến khoảng 300.000, là cộng đồng người Á đông thứ 4 tại Canada. Vì vậy, Canada có nhu cầu khá ổn định đối với mặt hàng gạo”.

Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo quan trọng vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.

Năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo lên tới 56,4% vào thị trường Canada, và là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên đến gần 2,9% (cao hơn con số 1,6% trước khi có Hiệp định CPTPP). Năm 2023, gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng xay xát tăng 58% so với năm 2022. Lượng gạo lứt và gạo tấm xuất khẩu không đáng kể tăng lần lượt 73% và 126,5% so với cùng kỳ 2022.

Số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có thể thấp hơn nhiều so với thực tế vì hiện nay gạo Việt Nam vẫn được xuất khẩu qua Hoa Kỳ, đóng túi tại đây rồi mới trung chuyển lại Canada. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vào thị trường tăng đều qua các năm cho thấy các nhà nhập khẩu Canada bắt đầu quan tâm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam để thay thế/giảm phụ thuộc vào thị trường gạo trắng của Thái Lan và Hoa Kỳ.

Gạo Việt còn nhiều tiềm năng tại thị trường Canada. Ảnh minh hoạ

Gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%. Bên cạnh gạo trắng dài (jasmine), hiện nay, gạo tròn giống Nhật trồng ở Việt Nam đang được Canada tăng nhập khẩu khá mạnh, là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch gạo sang thị trường trong năm 2023.

Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Canada thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Mạng lưới doanh nhân kiều bào đang là những đối tác tích cực hỗ trợ tăng thị phần gạo của Việt Nam tại Canada, đặc biệt là đưa mặt hàng gạo chất lượng cao ST 25 vào thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.

Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải/thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước còn có các hình thức trợ giá xuất khẩu, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí/thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu gạo, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội

Thị trường gạo thế giới năm 2024 tiếp tục nóng khi nhà xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng hàng đầu thế giới là Ấn Độ gần đây liên tiếp đưa ra hai thông tin quan trọng gồm gia hạn thuế xuất khẩu 20% vô thời hạn với gạo đồ và mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Trong khi đó, Indonesia cũng ráo riết nhập khẩu gạo từ năm ngoái và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc. 

Hồi đầu tháng, Bangladesh cũng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 63% xuống 15%, và có thể sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm nay để hạ nhiệt giá gạo trong nước. Trước đó, trong báo cáo Triển vọng lúa gạo tháng 1/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu niên khóa 2023 - 2024 thêm 4,5 triệu tấn so với mức trước đó. 

Nhìn chung, sản lượng gạo niên vụ 2023 - 2024 giảm mạnh ở một số quốc gia gồm: Ấn Độ giảm gần 3,8 triệu tấn; Trung Quốc giảm 1,3 triệu tấn (do diện tích thu hoạch nhỏ hơn); Thái Lan dự kiến giảm 0,9 triệu tấn (do mùa mưa đến muộn hơn mọi năm)… Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt 522,1 triệu tấn. Với cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Bối cảnh cung cầu của thị trường năm 2024 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận sẽ tiếp tục là cơ hội cho ngành gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu. “Nhu cầu gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó các quốc gia có nhu cầu lớn gồm Philippines, Indonesia. Đối với nguồn cung gạo, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024 trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn. Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng để giá gạo giữ vững mức cao đến giữa năm 2024”- ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA nói.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng, diễn biến của hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino làm cho sản lượng lương thực ở nhiều quốc gia bị sụt giảm. Trong bối cảnh chung đó nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực thì sẽ có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường. “Ngay từ đầu năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia Trung Đông dự báo tăng, đây là tín hiệu khởi sắc đối với thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2024 này”, ông Thành nhận định.

Có thể thấy, cơ hội hiện hữu là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao để tiếp tục tận dụng cơ hội và gia tăng xuất khẩu là vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Điều này xuất phát từ chỗ, năm 2023 giá gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Do vậy, năm 2024 nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự sắp xếp lại chuỗi giá trị ngành gạo để vừa tận dụng được cơ hội nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cho những người kinh doanh trong toàn chuỗi.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu