03:07 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường EU

Minh Anh (t/h) | 15:47 21/05/2024

(THPL) - Các chuyên gia nhận định, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Trước đó, tại báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD. Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt 6,1 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu; tiếp đến là châu Phi với kim ngạch đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Trong khi đó, thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt gần 133.000 tấn; trong đó, khối EU đạt 109.000 tấn, tăng 15,4% tương đương 14.500 tấn so với năm 2022.

Với kết quả trên, Bộ Công Thương đánh giá, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU, nhờ việc đã ký kết EVFTA.

Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.

Gạo Việt còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh minh hoạ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.

Mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người. Các chuyên gia nhận định, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Tuy nhiên, thị trường này có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội; gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Đáng chú ý, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn.

Trong diễn biến liên quan, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh từng lưu ý: “EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài".

Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Các quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung kể từ khi Ấn Độ tăng cường các biện pháp hạn chế vào tháng 7. Giá gạo ở Philippines tăng cao, trong khi Indonesia yêu cầu quân đội hỗ trợ nông dân tăng sản lượng. Tuy nhiên, giá khó có thể quay trở lại mức kỷ lục năm 2008 là trên 1.000 USD/tấn. Thời điểm đó, làn sóng cấm xuất khẩu gạo lan rộng hơn bây giờ.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cơ quan ấn định giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, dự báo xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm trong năm nay do nhu cầu giảm. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong khi Việt Nam là nước lớn thứ ba. Xuất/nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2024 ước khoảng 52,1 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 710.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước và giảm 270.000 tấn so với năm 2023.

Trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu