06:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nhân Tống Quốc Trường: Những cái giá “quá đắt” còn để lại

| 21:42 06/07/2017

(THPL) - Trước khi về Vietlott, doanh nhân Tống Quốc Trường từng nếm trải những thăng trầm khi còn làm ở Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC).

Doanh nhân Tống Quốc Trường. Ảnh: Vietlott.

Những việc dang dở

Kể từ tháng 6/2007-2010, ông Tống Quốc Trường chính thức làm Tổng giám đốc PVFC. Ở giai đoạn này, việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư và cho phép PVFC có những hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật đã biến công ty này rơi vào tình trạng gần như mất vốn, nợ xấu tăng cao. Điển hình ở vụ Vinashin và dự án Ethanol Phú Thọ.

Ngày 26/3/2010, PVFC ký kết hợp đồng tín dụng thu xếp vốn cho dự án Nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc. Theo hợp đồng đã ký kết, PVB được PVFC và SeaBank bơm tiền cho vay 836 tỷ đồng, trong đó PVFC có 30% tổng giá trị hợp đồng. Đến nay dự án này vẫn đang dở dang nằm “đắp chiếu”, thậm chí đang được cân nhắc phương án phá sản để tránh những thiệt hại tiếp theo. Hàng trăm tỷ đồng của PVFC “mọc rễ” tại đó.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ có vốn đầu tư 2.400 tỷ nằm bất động, mặc cho thời gian, sương gió đang tàn phá những thiết bị nghìn tỷ. 

Đến năm 2010, PVFC đã không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho khoản nợ quá hạn 929.7 tỷ đồng của Vinashin. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2010, tổng dư nợ tín dụng của PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là 1,299 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2009 là 1,853 tỷ đồng), trong đó có 929.7 tỷ đồng (31/12/2009 là 1,305 tỷ đồng) là nợ quá hạn thanh toán. Nhưng PVFC đã không thực hiện phân loại dư nợ gốc vay thành nợ xấu và không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản vay trên.

Phải đến ngày 26/4/2012, khi ông Trường rời ghế nóng, PVFC mới thu về được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (một lần 800 tỷ và một lần 225 tỷ đồng) trên tổng số hơn 1.800 tỷ đồng khoản nợ của Vinashin. Nhờ vậy, dù khó khăn, doanh thu PVFC mới đạt được hơn 8.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 553 tỷ đồng thay vì lẹt đẹt 8,5 tỷ đồng như vào năm 2008 (thời ông Trường là Tổng giám đốc).

Tuy vậy, doanh nhân Tống Quốc Trường luôn đặt mục tiêu cao để phấn đấu. Năm 2009, ông đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Trên thực tế, công ty đạt doanh thu 5.658 tỷ đồng, bằng 145% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 611 tỷ đồng, trượt mục tiêu đề ra.

Năm 2010, công ty lại đặt mục tiêu doanh thu 5.059 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.032 tỷ đồng, thậm chí PVFC hướng tới mục tiêu tăng vốn điều lệ đạt 1 tỷ USD vào năm 2015, từ năm 2012 đến năm 2015 duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trong tất cả các hoạt động đạt 25%/năm, tỷ lệ cổ tức bình quân đạt 12%/năm, nhanh chóng trở thành định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam có mạng lưới hoạt động ra nước ngoài, đưa thương hiệu PVFC ra quốc tế. Thực tế, lợi nhuận trước thuế của PVFC chỉ đạt 639 tỷ đồng vào năm 2010.

Giấc mơ xa dần, nhưng có thể thấy ông Tống Quốc Trường là người có tham vọng. Khi ông Trường rời ghế nóng, sếp mới của PVFC chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 800 tỷ đồng vào năm 2011 (thực tế, lợi nhuận năm 2011 của PVFC là 1.443 tỷ đồng, vượt kế hoạch) và hoạt động theo mô hình ngân hàng là đích của năm 2012. Và họ đã làm được dù còn nhiều khó khăn, thách thức.

Còn điều gì đáng tiếc?

Một điều đáng tiếc nữa của ông Trường khi ngồi ghế PVFC có lẽ là việc ông đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán vào các doanh nghiệp trong ngành dầu khí rồi khi giá chứng khoán giảm, công ty phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận trước thuế giảm mạnh, không đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2008, PVFC bắt đầu lên sàn. Với số vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, PVFC là công ty tài chính có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán lúc đó. Nhưng thay vì để cho thị trường đánh giá giá trị cổ phiếu thì PVFC đã thao túng giá cổ phiếu của chính mình bằng cách dùng tiền của nhà nước đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo Thanh Niên, PVFC đã ồ ạt rót vốn cho PVFC Invest bằng một loạt các hợp đồng ủy thác: Ủy thác đầu tư trực tiếp 200 tỷ đồng từ PVFC; cho một công ty con khác, PVFC Land, rót 400 tỷ đồng cho PVFC Invest; thông qua Công ty PV Inconness (PVFC là cổ đông lớn chiếm 30% vốn điều lệ) ký hợp đồng ủy thác đầu tư 71 tỷ đồng. Với 3 “hợp đồng” này, cùng với 500 tỷ đồng điều lệ, PVFC Invest có ngay trong tay 1.171 tỷ đồng.

PVFC Invest đã dùng 510 tỷ đồng, thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm (bản chất là cho CBCNV vay trả chậm mua cổ phần với tỷ lệ 50 - 50) để đấu giá mua cổ phần của công ty mẹ. Bằng cách này, PVFC Invest đã trúng 20 triệu cổ phần (chiếm 1/3) với giá 71.000 đồng, trong đó có 14 triệu cổ phần do CBCNV mua.

Rồi khi bong bóng “xì hơi”, hơn 419 tỷ tiền gốc “cho CBCNV vay” mua cổ phiếu và 86 tỷ đồng tiền lãi phát sinh không thu hồi được vì không rõ yếu tố pháp lý và vì trong danh sách gần 800 cá nhân ủy thác đầu tư cổ phiếu của PVFC có người đã chết, có người về hưu, có người đi tù. Thương vụ trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi 510 tỷ đồng vốn ủy thác khiến PVFC Invest thiệt hại 419 tỷ gốc và 86 tỷ đồng lãi do CBCNV vay không có khả năng hoàn trả.

Đến nay, trách nhiệm của ông Trường trước các quyết định trên tại PVFC ra sao vẫn chưa được làm rõ. Năm 2010, ông Trường rời PVFC. Đến tháng 8/2012, ông lại trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).

PV (T/h)

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu