10:13 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài hơn 450 triệu USD

19:38 31/10/2022

(THPL) - Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 450 triệu USD trong 10 tháng đầu năm.

Cụ thể, có 90 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 390,1 triệu USD. Số vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do có 5 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, mỗi dự án có số vốn hơn 34,68 triệu USD. Chỉ có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 61,9 triệu USD, bằng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ KH&ĐT, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ở 14 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 13 dự án đầu tư mới và 3 lượt điều chỉnh vốn, với số vốn đầu tư trên 224 triệu USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 1 dự án mới và 1 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư 42,8 triệu USD, chiếm 9,5%; tiếp theo là các ngành khai khoáng; bán buôn, bán lẻ…

Có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022. Dẫn đầu là Singapore với 18 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 75,3 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Lào với tổng vốn đầu tư trên 70 triệu USD, chiếm gần 15,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan…

Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài hơn 450 triệu USD. Ảnh minh hoạ

Báo Lao động đưa tin, lũy kế đến ngày 20/10, Việt Nam đã có 1.594 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 21,68 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,1%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào, Campuchia, Venezuela…

Như vậy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang từng bước được phục hồi hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục cải thiện khá tích cực; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc… 

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, báo Đầu tư đưa tin, bên cạnh những con số là tích cực, con đường ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt không dễ dàng. Bởi thực tế, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, bên cạnh các dự án của doanh nghiệp nhà nước báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm 2021 là 335,53 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020. Trong đó, số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là các dự án của Viettel ở Myanmar, Tanzania…, chiếm tỷ trọng lớn nhất, với trên 293 triệu USD.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD. Như vậy là giảm 2 dự án, nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020.

Sự biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, an toàn... tại các địa bàn đầu tư; một số lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro cao (tìm kiếm thăm dò dầu khí, khai thác khoáng sản...); các cơ chế, chính sách, pháp luật tại quốc gia đầu tư thay đổi, thậm chí còn chưa minh bạch, nội dung thiếu nhất quán; khả năng dự báo và xây dựng dự án đầu tư còn hạn chế, chưa lường hết các vấn đề phát sinh... là những yếu tố được Chính phủ cho rằng đã ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của dự án. Chính vì vậy, các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu