11:50 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp vận tải "thoi thóp" chờ giải cứu vì Covid-19

15:15 23/06/2021

(THPL) – Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong thời điểm này, các đơn vị vận tải rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ với các giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngành hàng không gặp khó...

Thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đã khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cảnh báo khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Trang CafeF đưa tin, đơn cử như hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), dự kiến số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái rất khó khăn, bên bờ vực phá sản, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói "giải cứu" 12.000 tỷ đồng nên không giải ngân tiếp cho Vietnam Airlines, không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Ngành hàng không gặp khó, đứng trước bờ vực phá sản (ảnh minh họa)

Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới. Do vậy, Hiệp hội Hàng không tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không.

Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng), tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024. Tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…).

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng lao đao

Báo VOV đưa tin, theo ông Đỗ Việt Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Lâm Hà có xe chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ là cầm chừng và gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn túc tắc gần chục xe hoạt động. Trước khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe chi trên 2 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên. Hiện nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị vẫn phải gánh gần 1 tỷ đồng/tháng.

“Nửa năm nay, doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ…Nói chung hiện tại chúng tôi đang trong cảnh “thoi thóp” chờ chết.

Doanh nghiệp vận tải "thoi thóp", chờ chính sách giải cứu (ảnh minh họa)

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: “Những tháng vừa qua, lượng khách sụt giảm trên 50% do người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách, lương của cán bộ, nhân viên bị cắt giảm. Tuy nhiên dịch hiện nay cũng chưa biết bao giờ phục hồi được và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”. 

Theo TTXVN đưa tin, trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.

Cơ quan quản lý Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021...

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa do Bộ quản lý; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước…

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu