10:46 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Lạc quan đón cơ hội mới sau đại dịch COVID - 19

17:27 26/01/2021

(THPL) – Đại dịch COVID - 19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, trong sóng gió, tinh thần lạc quan của DNVN, niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ là yếu tố quan trọng để DN vượt khó, vươn lên đón đầu cơ hội mới.

Mỗi tháng, khoảng 5.000 DN “chia tay” thị trường

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/4/2020 cho biết, hiện nay ở nước ta, khu vực DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỉ lệ rất cao, lên tới 97,2%. Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực DNNVV có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thông tin từ một cuộc hội thảo được tổ chức tại TPHCM từ hồi tháng 10/2020 thu hút sự quan tâm tham dự của gần 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. HCM cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2,14%, còn lại là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thực tiễn cho thấy, khi đại dịch Covid càn quét, những DNNVV, DN siêu nhỏ là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất.

Trong khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam tích cực đổi mới, sáng tạo để đón thời cơ thời kỳ hậu COVID. Ảnh: Internet

Tại cuộc hội thảo với chủ đề: “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” tổ chức hồi tháng 12/2020, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI - cho biết, dịch Covid-19 khiến cộng đồng DN chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. Theo số liệu, đến tháng 11/2020, đã có 44 nghìn DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 DN đã phải "chia tay" thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.

Do khó khăn về nguồn lực, nhóm DNNVV thường gặp khó khăn, nhất là việc nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền…

Tiếp cận nguồn vốn để khôi phục sản xuất chính là khó khăn lớn mà DNNVV Việt Nam gặp phải hiện nay. Mặt khác, mặc dù phản ứng của Chính phủ bằng những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp là nhanh chóng và khá hợp lý, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, quá trình triển khai, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ, các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà. Nhiều doanh nghiệp "than" không tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ. 

DNNVV Việt Nam lạc quan nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê, người bi quan sẽ hình dung bức tranh kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam toàn màu xám ảm đạm. Thế nhưng, vào thời khắc khó khăn nhất khi cả nước căng mình chống dịch, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 tổ chức vào tháng 5/2020, dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”.

Ngày 16/11/2020, hãng HP công bố từ nghiên cứu "Survival to Revival" (tạm dịch "Từ sinh tồn đến hồi sinh") về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) ở châu Á - Thái Bình Dương do HP thực hiện tháng 7/2020.

Cụ thể, 72% SMB tại Việt Nam được khảo sát tin rằng họ sẽ tồn tại, và 65% tin rằng họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch. Con số này tương đối cao so với mức trung bình của khu vực lần lượt 60% và 53% tại các quốc gia khác tham gia cuộc khảo sát.

Các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. 

Cũng theo nghiên cứu, SMB tại Việt Nam thể hiện sự tích cực trong dự báo tăng trưởng cho năm tới với 41% kỳ vọng tăng trưởng, tương đối cao so với mức trung bình 16% của cuộc khảo sát. Trong bối cảnh thế giới hậu COVID-19, SMB Việt Nam từng bước hình dung lại các mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo các chiến lược và công cụ phù hợp cho việc trở lại mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

47% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho rằng việc áp dụng kỹ thuật số là chìa khóa để đưa doanh nghiệp phát triển sau đại dịch.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam nhưng đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc điều hành HP Việt Nam, cho biết, Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và điều này củng cố niềm tin về việc phục hồi sau đại dịch. "Nghiên cứu này cho chúng tôi những hiểu biết vô cùng giá trị về sự lạc quan của SMB tại Việt Nam, và cách chúng tôi có thể đưa ra các giải pháp và đổi mới phù hợp với thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp điều hướng qua thế giới hậu COVID", ông Đức nói. 

Số liệu cập nhật về tình hình đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng thể hiện sự nỗ lực nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng DN trước khủng hoảng. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều DN vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường. Ðồng thời không ngừng tìm kiếm ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể. Vì thế, con số DN thành lập mới, DN "ngủ đông", DN rời bỏ thị trường liên tục có biến động mạnh theo diễn biến của dịch bệnh và chính sách điều hành kinh tế. Ðiều này cho thấy cộng đồng kinh doanh chưa bao giờ hết kỳ vọng vào khả năng phục hồi.

Dù sóng gió, khó khăn vẫn đầy rẫy, tuy nhiên, khó khăn lại chính là điều kiện để bộc lộ sự linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh của doanh nghiệp, đồng thời để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ những "điểm nghẽn", rào cản trong việc xây dựng, thực thi những chính sách hỗ trợ, tạo đòn bẩy doanh nghiệp, nhất là DNNVV phát triển bền vững. 

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu