01:50 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dấu hiệu “quân xanh, quân đỏ”, nhìn từ trường hợp Công ty TBYT Danh và Công ty Thành An Hà Nội

08:37 03/04/2022

(THPL) - Dù được biết đến là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị vật tư y tế, song bên cạnh những lùm xùm về nghi vấn chi hoa hồng khủng cho các bệnh viện, thời gian gần đây, Thành An Hà Nội cũng đang bị dư luận hoài nghi về dấu hiệu sử dụng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, mà việc thường xuyên song hành với Công ty TBYT Danh tại các gói thầu là một minh chứng.

“Điệp khúc” Công ty TBYT Danh trượt, Công ty Thành An Hà Nội trúng

Theo hồ sơ, tài liệu đấu thầu, tháng 9/2020 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh mởi gói thầu “Mua sắm vật tư phẫu thuật cột sống lưng, thắt lưng” với giá gói thầu là 8.535.000.000 đồng. Kết quả mở thầu cho thấy, gói thầu này chỉ có 02 đơn vị tham gia là Công ty TNHH Thành An - Hà Nội (Công ty Thành An Hà Nội) và Công ty TNHH Thiết bị Y tế Danh (Công ty TBYT Danh). Trong đó, Công ty Thành An Hà Nội dự thầu với giá 8.390.700.000 đồng, Công ty TBYT Danh dự thầu với giá 8.474. 607.000 đồng.

Tại phần đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật, Công ty Thành An Hà Nội đạt cả 3 tiêu chí. Ngược lại Công ty TBYT Danh không được đánh giá ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Kết quả Thành An Hà Nội được mời vào thương thảo hợp đồng.

Có thể phán đoán, tại gói thầu này, phía Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu do bỏ thầu với giá thấp hơn Công ty TBYT Danh.

Sẽ chẳng có gì phải bàn luận nếu như người ta không thấy có hiện tượng Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh thường xuyên song hành với nhau trong các gói thầu. Trong đó, rất nhiều gói thầu chỉ có mỗi hai doanh nghiệp này tham dự thầu. Và phần lớn kết quả sẽ là Công ty TBYT Danh trượt, Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu. “Điệp khúc” này đã trở nên quen thuộc tại các gói thầu mua sắp thiết bị y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn cả nước.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Ví dụ, đầu năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mở gói thầu số 01 “Mua sắm 12 máy thở và 12 Monitor 05 thông số tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An”. Giá gói thầu là 9.780.000.000 đồng. Tại gói thầu này, cũng chỉ có Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh tham gia thầu. Như lần trước, Công ty TBYT Danh cũng bỏ giá dự thầu cao hơn Công ty Thành An Hà Nội. Cụ thể, Công ty TBYT Danh bỏ giá 9.762.000.000 đồng, trong khi Công ty Thành An Hà Nội chỉ bỏ giá 9.750.000.000 đồng. Kết quả, Công ty Thành An Hà Nội đạt ở cả 3 tiêu chí tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật. Trong khi đó, Công ty TBYT Danh không đạt tại tiêu chí năng lực, kinh nghiệm và không xét ở tiêu chí kỹ thuật.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) mở gói thầu số 01 “Hệ thống phẫu thuật nội soi” thuộc dự án “Mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn dự toán đã giao cho đơn vị năm 2019”. Giá gói thầu là 3.500.000.000 đồng. Gói thầu này cũng chỉ có Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh tham gia. Hai nhà thầu này đều được đánh giá đạt ở tất cả các tiêu chí. Song, như một sự tình cờ, Công ty TBYT Danh trượt thầu do bỏ giá dự thầu cao hơn Công ty Thành An Hà Nội (3.650.000.000 đồng so với 3.500.000.000 đồng).

Hồ sơ gói thầu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ

Có một điều khá bất ngờ ở gói thầu này, đó là Công ty Thành Hà Nội đã “khéo léo” bỏ giá thầu bằng chính giá mà đơn vị mời thầu đưa ra, qua đó “giúp” chủ đầu tư tiết kiệm 0% cho ngân sách mua sắm. Còn Công ty TBYT Danh lại tỏ ra “ngu ngơ” khi bỏ giá cao hơn giá mời thầu - một điều mà tưởng chừng chẳng có nhà thầu nào “điên rồ” thực hiện khi đã quyết định tham gia đấu thầu để được trúng thầu.

Không những quen mà còn rất gần gũi

Không những quen mặt nhau, song hành cùng nhau trong các gói thầu với “điệp khúc” Công ty TBYT Danh trượt, Công ty Thành An Hà Nội trúng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây còn là 2 doanh nghiệp gần gũi nếu nhìn ở góc độ mối quan hệ giữa cá nhân những người đại diện pháp luật, thành viên góp vốn.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Thành An Hà Nội (thay đổi lần 3, ngày 27/07/2010) thì danh sách thành viên góp vốn gồm Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Đăng Thuyết. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của công ty là Nguyễn Đăng Thuyết.

Còn theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TBYT Danh (thay đổi lần 3, ngày 13/6/2014), danh sách thành viên góp vốn gồm Nguyễn Quý Khái, Nguyễn Quang Vĩnh. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của công ty là Nguyễn Quý Khái.

Cả hai ông Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Quý Khái đều có địa chỉ thường trú tại thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trên thực tế ông Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Quý Khái có quan hệ cậu cháu ruột (ông Nguyễn Quý Khái là con của chị gái ruột ông Nguyễn Đăng Thuyết). Thông tin này được chính người trong họ của ông Nguyễn Đăng Thuyết xác nhận.

Pháp luật hiện hành không có điều lệ cấm các doanh nghiệp mà những người đại diện pháp luật có quan hệ huyết thống cùng tham gia đấu thầu tại 1 gói thầu. Tuy nhiên, cùng với việc liên tục song hành cùng nhau, khi với vai trò liên danh, khi lại với vai trò là các nhà thầu độc lập, mà việc nhà thầu này trượt tạo điều kiện để nhà thầu kia trúng … đã tạo ra những điểm mờ ám, thiếu tính khách quan, có thể cho là dấu hiệu của hành vi “quân xanh, quân đỏ” - một trong những vấn đề tiêu cực trong hoạt động đấu thầu mà Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ ra trong Chỉ thị số 47/CT-TTg.

“Quân xanh, quân đỏ” là gì?, quân xanh là quân giả, làm nhiệm vụ lót đường. Nhà thầu quân xanh là nhà thầu “tham gia để trượt”. Quân đỏ là là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu.

Theo các chuyên gia, tình trạng nhà thầu bị loại bởi Hồ sơ dự thầu (HSDT) không đủ tư cách hợp lệ cũng chẳng còn là xa lạ, số lượng nhà thầu dự thầu “cho vui” hay “dự cho đủ" điều kiện mở thầu cũng ngày càng nhiều.

Thực tế không một nhà thầu đàng hoàng nào đi dự thầu lại để bị loại vì những lý do ngớ ngẩn như cách Công ty TBYT Danh bỏ giá cao hơn giá chủ đầu tư mời thầu ở gói thầu của Trung tâm Y tế huyện Quế Võ.

Vậy thì có quyền nghi vấn chuyện nhà thầu này tham dự với mục đích làm quân xanh cho nhà thầu khác, ở đây là Công ty Thành An Hà Nội, qua đó “dựng nên một vở kịch” trong đấu thầu.

Công ty Thành An Hà Nội bỏ giá bằng giá mời thầu (3.500.000.000 đồng), còn Công ty TBYT Danh bỏ thầu cao hơn giá mời thầu (3.650.000.000 đồng)

Có thể thấy, đối với những gói thầu này, tính minh bạch và hiệu quả cũng như sự cạnh tranh lành mạnh là không tồn tại và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu sạch. Và chắc chắn giá trúng thầu sẽ cực kỳ cao. Ở đây là sát với giá gói thầu được phê duyệt (3.500.000.000 đồng). Không tiết kiệm cho ngân sách một đồng nào.

Dư luận đã từng “ngã ngửa” khi vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan được cơ quan hữu quan kết luận. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vạch trần hàng loạt chiêu trò gian lận, thông thầu để thắng thầu của Liên danh nhà thầu Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh (Công ty Đông Kinh).

Tại gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016” của Sở KH-ĐT Hà Nội, các bị can trong vụ án là lãnh đạo Công ty Đông Kinh, gồm Võ Việt Hùng - Giám đốc và Lê Duy Tuấn - Giám đốc kinh doanh, đã nhờ pháp nhân của Công ty Cổ phần TECOTEC Group, Công ty TNHH công nghệ Thiên Phúc làm “quân xanh”, nộp hồ sơ dự thầu để đảm bảo có đủ số lượng nhà thầu tham gia và bỏ giá thầu khi cần thiết để tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Những hành vi vi phạm này, sau khi bị bại lộ, các tổ chức, cá nhân lần lượt đều phải trả giá đắt; kể cả lãnh đạo của thành phố.

Trên thực tế, hành vi “quân xanh, quân đỏ” là không hiếm. Vì vậy khi có dấu hiệu, cơ quan chức năng chắc chắn sẽ vào cuộc.

Trở lại câu chuyện của Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TBYT Danh và hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế thời gian qua có sự tham gia của 2 doanh nghiệp này, phải chăng đã đến lúc cần thanh, kiểm tra để làm rõ, qua đó giải toả những nghi vấn của cộng đồng, dư luận.

Toà soạn Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Yến Thanh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu