23:52 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia kinh tế Bùi Thị Lệ Phương: Kinh tế năm 2023 và 3 việc cần làm ngay của doanh nghiệp Việt

Bùi Thị Lệ Phương | 08:04 27/01/2023

(THPL) - Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội ngày 22-11/2022 với chủ đề: "Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng", bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Vậy tình hình kinh tế quốc tế ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023. Đại dịch đã ảnh hưởng tới thói quen tiêu dùng của người dân, đồng thời lạm phát và thất nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chi tiêu.

Black Friday năm nay, tôi đã ở trung tâm mua bán lớn nhất Los Angeles: Hàng hóa giảm mạnh, nhưng không còn cảnh xếp hàng, chen lấn, tranh cướp hàng giảm giá như mọi năm. Black Friday năm nay ở Mỹ, mọi thứ gần như bình thường, hàng hóa giảm giá không còn xếp đống như mọi năm. Một phần vì mua sắm trực tuyến hiện đã quá phổ biến, nhưng một phần cũng do ách tắc trong khâu vận chuyển, dẫn tới hàng hóa không còn nhiều như trước, đồng thời người dân có xu hướng giảm chi tiêu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Thị Lệ Phương

Xung đột Nga - Ukraine kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh của phương Tây cũng như những phản ứng của Nga đã gây ra tác động tiêu cực toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới: Từ thương mại, đầu tư, an ninh lương thực tới chuỗi cung ứng nhiên liệu, năng lượng phục vụ sản xuất, tiêu dùng và một số khoáng sản chiến lược… tạo áp lực làm giá cả nguyên nhiên liệu và vận chuyển tăng cao, gây áp lực cho lạm phát

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, đà tăng lãi suất điều hành quyết liệt của Fed sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và EU đồng thời ảnh hưởng tới nợ công, dòng tiền và đầu tư dài hạn.

Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành vào tháng 9/2022 hầu hết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển; thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 giảm 3,3%; năm 2021 tăng 5,8% và dự báo cho năm 2022 tăng từ 2,4% đến 3,2%..

Thói quen tiêu dùng thay đổi, kinh tế giảm phát, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lãi suất tăng cao, giá đầu vào của sản xuất tăng cao, chiến tranh… đã góp phần không nhỏ tới việc tái cấu trúc kinh tế và việc làm. Nhưng một ảnh hưởng không nhỏ góp phần trong việc tái cấu trúc kinh tế thế giới và phân công lao động xã hội, đó chính là cuộc cách mạng công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghệ góp phần tái cấu trúc kinh tế và phân công lao động xã hội

Từ đầu thế kỷ 21, các doanh nghiệp đã thực hiện ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình, nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là trong những năm gần đây. Ứng dụng công nghệ không chỉ trong quản trị và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn cả trong quản lý nhà nước và các dịch vụ công. Công nghệ tham gia vào quá trình sản xuất ngày càng cao và ở nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, y dược, công nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng, bán hàng…giờ đây công nghệ AI, số hóa, big data, Blockchain… được ứng dụng rộng rãi, góp phần không nhỏ trong hoạt động sản xuất và dịch vụ là thay đổi, ứng dụng tất yếu của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.

Cuộc cách mạng công nghệ, đã làm cho một số ngành hàng, công việc biến mất. Ảnh minh họa

Cuộc cách mạng công nghệ, đã làm cho một số ngành hàng, công việc biến mất, thay vào đó mà một số ngành kinh tế mới phát triển, kéo theo nó là một bộ phận lao động mới xuất hiện; góp phần thúc đẩy việc tái cấu trúc kinh tế thế giới và phân công lao động xã hội.

Ảnh hưởng của công nghệ số tới hoạt động kinh doanh không những nhanh mà còn mạnh mẽ. Các công ty công nghệ trên khắp thế giới đã dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vài năm qua, được thúc đẩy bởi chính đại dịch COVID-19. Nhưng mọi thứ có sự đảo chiều khi đại dịch dần được kiểm soát. Trong quý III/2022, nhiều công ty lớn nhất thế giới bắt đầu công bố báo cáo tài chính với kết quả không đạt kỳ vọng do tác động của những xáo trộn kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát và lãi suất tăng. Sau nhiều năm lợi nhuận cao và tuyển dụng nhân sự ồ ạt, ngành công nghệ đã quyết định thắt chặt các khoản chi. Cũng chính thời điểm này, một đợt sa thải nhân sự và đóng băng tuyển dụng quy mô lớn đã diễn ra. Các big tech đều đồng loạt sa thải khoảng 13% - 50% nhân sự, hoặc đóng băng tuyển dụng. Đặc biệt, gần đây là việc sa thải 4.400 nhân sự của Twitter (50%), 11.000 nhân sự của Meta công ty mẹ của Facebook (13%), Amazon sa thải khoảng 10.000 nhân sự và Google cũng sa thải tới 10.000 nhân sự

Các công ty big tech giảm sút lợi nhuận, và sa thải nhân viên, không phải vì cuộc cách mạng công nghệ đình trệ. Mà do: “Nhưng kinh tế vĩ mô suy thoái, cạnh tranh gia tăng và quảng cáo giảm đã khiến doanh thu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với dự kiến. Tôi đã sai điều này ”, CEO Meta - Mark Zuckerberg thừa nhận. Việc nhiều mạng xã hội tham gia thị trường, với nhiều hình thức quảng cáo; yêu cầu của các công ty quảng cáo không phải chỉ để bán hàng mà còn cả những thông tin, data người dùng bị Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU, mở rộng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng (cùng với khoản tiền phạt 50 triệu France Pháp đã giành cho Google vào tháng 1/2020) cũng đã làm giảm sút đáng kể doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng.

Cho dù sa thải nhân viên, các công ty công nghệ vẫn tập trung nghiên cứu những công nghệ mới như: AI, blockchain, metaver, AR, cấy chíp vào não… những công nghệ mới này sẽ góp phần làm thay đổi rất nhiều việc làm, thói quen, hành vi của xã hội, thúc đẩy một số ngành nghề mới ra đời và một số ngành nghề biến mất…

Tuy nhiên, sa thải nhân viên và đã tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu khác của các công ty công nghệ kéo theo lo ngại chỉ số thất nghiệp gia tăng trong hiện tại.

Kinh tế thế giới năm 2023 được hầu hết các Tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao, lãi suất cao, thất nghiệp lan rộng tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghệ… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho cuộc suy thoái toàn cầu hay thay đổi cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, bắt đầu vào năm 2023?

Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng chung

Một số nguyên liệu tăng trong thời gian qua làm cho giá đầu vào tăng, giá cả tăng, nhưng lợi nhuận sụt giảm.
Giá đầu vào tăng, cùng với tắc nghẽn chuỗi cung ứng… khiến cho các doanh nghiệp trong nước nguyên liệu, nhiều hợp đồng bị hủy, có những công ty đã cắt giảm từ 30-60% lao động, thất nghiệp gia tăng. Năm 2023 được dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại, thấp hơn so với mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 được ghi nhận là 14%.

Theo nhận định của các chuyên gia, áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước cũng như tỷ giá hối đoái có thể sẽ kéo dài đến quý 2/2023 và sau đó sẽ giảm bớt đáng kể nếu Fed (Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ) chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.

Giá cả và lãi suất tăng, kéo theo lạm phát tăng cao. Dự kiến tăng lương vào 1/7/2023 cũng góp phần thúc đẩy tăng giá cả và lạm phát; cùng với chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng nhà nước, sẽ làm cho các doanh nghiệp khó khăn về vốn và tăng chi phí.

Theo Báo cáo Chiến lược đầu tư Việt Nam 2023 với chủ đề "Đầu tư có trách nhiệm - Xây tương lai vững bền" của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho rằng “, động lực tăng trưởng kinh tế ở trong năm 2023 không nhiều, bao gồm khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cùng xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra rất mạnh mẽ”.

Tốc độ tăng doanh số dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành đã tăng, nhưng nhìn chung còn thấp hơn trước đại dịch. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế, đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Tuy nhiên, việc giải ngân cũng là vấn đề nan giải. Mới đây Bộ Tài chính báo cáo Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022: Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/9/2022 là 249.289,71 tỷ đồng, đạt 38,88% kế hoạch và đạt 42,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 43,49% kế hoạch và đạt 49,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao)

Trong bối cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực, chủ động hơn để phát triển, khai thác tối đa các nguồn lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của mình và đất nước. Trước mắt, năm 2023 các doanh nghiệp Việt cần thực hiện tốt 3 việc sau đây:

 Đầu tư có trách nhiệm để xây dựng tương lai bền vững. Ảnh minh họa

1. Tiết kiệm chi phí

Tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, nhưng năm 2023 còn phải tiết kiệm hơn nữa, do giá cả tăng cao, lãi suất tăng, cạnh tranh khốc liệt… Vì vậy các doanh nghiệp không chỉ cắt giảm chi phí, mà phải cân nhắc lại các chi phí hữu ích để đảm bảo không lãng phí trong chi tiêu.

2. Rà soát rủi ro, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ
Năm 2023 được dự kiến với rất nhiều thách thức, khó phán đoán, vì thế các doanh nghiệp nên xem lại lại những hoạt động của mình, rà soát và quản trị các rủi ro, từ đó bảo vệ tài sản, nguồn vốn và các nguồn lực khác. Từ đó giảm thiểu những mất mát, rủi ro làm tăng cho chi phí và giảm lợi nhuận. Trong đó, rủi ro tài chính càng được tăng cường kiểm soát trên cơ sở hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu và luôn được điều chỉnh cập nhật cho phù hợp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng rà soát lại những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư của mình. Tập trung đầu tư những lĩnh vực chuyên ngành, hiệu quả. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát.

3. Tham gia cuộc cách mạng về quản trị

Cách mạng về quản trị với 3 cuộc cách mạng lớn đang diễn ra bao gồm:

Quản trị tri thức: Chúng ta chứng kiến hàng năm các doanh nghiệp thành lập, khởi nghiệp nhiều, nhưng các doanh nghiệp dừng và không hoạt động cũng không ít, nhất là trong những năm đại dịch, các doanh nghiệp Việt càng nhận thức rõ việc quản trị bằng kinh nghiệm, ăn may không còn nữa, thay vào đó từng cá nhân, doanh nghiệp phải trang bị tri thức, kiến thức trong quản trị và ngành nghề kinh doanh, để có được những nhận định và có những quyết định quản trị đúng đắn, khoa học và phù hợp với quy luật kinh tế nói chung, và quy định, chuẩn mực trong các lĩnh vực kinh doanh của mình.

Quản trị đồng bộ: Những năm trước, các doanh nghiệp chỉ quan tâm tới quản trị một vài mảng trong doanh nghiệp như bán hàng, nhân sự… thậm chí đầu tư xây dựng đội ngũ sale rất mạnh để gia tăng doanh thu, nhưng không để ý tới những bộ phận khác trong hoạt động của mình.
Gần đây, các doanh nghiệp đã quan tâm tới quản trị đồng bộ các hoạt động trong doanh nghiệp, thậm chí bỏ tiền thuê các chuyên gia xây dựng đồng bộ hệ thống quản trị cho mình từ thương hiệu, truyền thông, chiến lược, marketing, tài chính, sản xuất, nhân sự, KPI, tiền lương…

Quản trị đồng bộ, không những giúp cho doanh nghiệp chuẩn hóa các quy trình của mình, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, xác định rõ hiệu quả của từng người, từng bộ phận, đảm bảo công bằng, khuyến khích người lao động và giữ được nhân sự giỏi.

Quản trị số: Áp dụng công nghệ số trong quản trị là xu hướng toàn cầu, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa kiểm soát rủi ro, đồng thời giúp cho việc quản trị đồng bộ hiệu quả và dễ dàng hơn mà lại tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tùy vào nguồn lực của từng doanh nghiệp để áp dụng số hóa, hay chuyển đổi số thế nào cho phù hợp. Nhất là tìm đúng nhà cung ứng giải pháp, hỗ trợ số hóa phù hợp để đảm bảo hiệu quả.

Năm 2023 sẽ có nhiều thách thức từ kinh tế trong nước cũng như quốc tế. Đối với Việt Nam, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Mong rằng, doanh nghiệp Việt tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thượng tôn pháp luật, khẳng định vị thế và phát triển ngày càng bền vững. 

Bùi Thị Lệ Phương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu