05:51 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia gợi ý cách cúng Rằm tháng Giêng đúng, đầy đủ nhất

10:50 02/03/2018

(THPL) - Trong ngày Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) này, các gia đình thường sắm 2 lễ cúng: Lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên.

Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, theo nghĩa Hán Việt “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười) hay Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng nguyên...

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Quang Minh, vào ngày này người Việt thường đi lễ chùa, lễ Phật cầu mong sự bình yên, khoẻ mạnh quanh năm. Đây là lễ tiết quan trọng trong năm nên ông bà ta có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng giêng”.

cung-ram
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng phải có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành. Ảnh: Ngôi sao

Chuyên gia cũng cho biết, Ngày Tết Nguyên Tiêu này, các gia đình thường sắm 2 lễ cúng: Lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên.

Gia chủ có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn. Đàn Tràng lập ngoài sân. Cúng gia tiên là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết, tinh khiết. Các vật phẩm khác như: hương, hoa, vàng mã, đèn, nến, trầu, cau, rượu.

Theo Thượng tọa Thích Trường Xuân - trụ trì chùa Long Đẩu, cúng Rằm tháng Giêng chủ yếu là mâm cơm cúng gia tiên, thần linh, thổ địa. Ngoài ra sẽ có thêm thêm hoa, quả, nến. Nếu nhà có thờ Phật thì làm cơm chay, nếu nhà không thờ Phật thì làm cơm bình thường. Thượng tọa cũng cho biết thêm, trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không nên có cá mè hay thịt vịt.

Ngoài ra, Thượng tọa còn chia sẻ, số lượng đèn, nến, hoa thường cúng lẻ ít cúng chẵn vì lẻ thuộc về dương, chẵn thuộc âm. Dương thuộc màu sắc thường trắng sáng, thứ 2 khí là nóng, cao nên lấy số lẻ để dương lên. Âm về màu sắc bao giờ cũng là màu tối. Lễ cúng không ai muốn để âm nên đó là nguyên tắc.

Trong khi đó, Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng, món quan trọng nhất trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng là gà trống - được coi là vật cúng tế linh thiêng.

Vì vậy khi chọn gà cần chọn gà mã đẹp, mào cờ tức là mào to và đỏ chót, gà phải là gà chưa đạp mái (gà trống hoa) hoặc gà trống thiến với ý nghĩa khỏe mạnh và tinh khiết, có lông màu lửa, đuôi đẹp, ức vươn lên, cựa mới nhú, lườn không nhọn để khi luộc lên con gà sẽ có tướng đẹp.

Thứ hai là về bánh chưng tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất.

Thứ ba là xôi gấc có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới cho gia chủ.

Ngoài ba món trên, trong mâm cỗ cũng cần có món chân giò bó luộc; dưa món; chè kho... Mâm cỗ nên có vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của chè kho.

Tuy nhiên các bà nội trợ có thể tùy ý biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình.

Ngoài ra, người làm cỗ cũng có thể làm các món có tính mát, dễ ăn, sau khoảng thời gian bổ sung quá nhiều bánh chưng, giò chả, đồ xào mỡ dịp Tết Nguyên Đán. Đó là các món cá hấp, cá nấu riêu kèm thêm rau sống.

Các đầu bếp cũng có thể trổ tài với món cuốn như cuốn thang, cuốn bỗng, hành cuốn củ quả… hoặc món thịt lợn luộc cuốn kèm thêm khế, rau thơm, lạc rang, chuối xanh...

Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, cúng Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy. Với những gia đình không có điều kiện về thời gian, kinh tế thì "tùy tiền biện lễ", có thể dâng cúng đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng cùng với một khoanh giò, mong một năm đầu xuôi đuôi lọt, mọi sự hanh thông.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu