01:03 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chàng trai dạy tiếng Anh cho trẻ câm điếc: Luôn coi mẹ là thần tượng, sống hết mình vì cộng đồng

10:04 08/01/2022

(THPL) - Lý do mà anh Lê Đình Hiếu chọn lĩnh vực giáo dục và bắt đầu với Hear.Us.Now chính nhờ được truyền cảm hứng từ mẹ - một nhà giáo dạy đàn piano - người đã mất dần khả năng nghe khi vừa bước sang tuổi 30.

Anh Lê Đình Hiếu hiện là Chuyên gia Quản lý, Phát triển chiến lược & vận hành chuỗi giáo dục; Chuyên gia Đào tạo và Phát triển kỹ năng, tư duy người Việt trẻ. Anh là một nhà giáo dục và là một doanh nhân xã hội với hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau: giáo dục công nghệ & sáng tạo, giáo dục âm nhạc, đào tạo kỹ năng, hướng nghiệp và giáo dục cho người khuyết tật.

Đặc biệt, anh được tạp chí Forbes Vietnam bầu chọn là 1 trong 30 nhà lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi tại Việt Nam. Hiện nay, anh là Giám đốc Tuyển sinh, Giám đốc Dự bị Đại học tại ĐH VinUni, đồng sáng lập – điều hành Học viện G.A.P, Giám đốc Chương trình Tìm kiếm Tài năng Talent Generation thuộc trung tâm Văn hóa, Giáo dục & Đào tạo UNESCO. Đồng thời điều hành Dự án phi lợi nhuận Hear.Us.Now nhằm xóa bỏ bất đình đẳng trong giáo dục đối với người câm điếc.

Tổ chức Hear.Us.Now hoạt động được 7 năm với mục đích tạo sự bình đẳng về giáo dục cho người câm điếc. Giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, được hòa nhập với cộng đồng.

Trước những đóng góp mà tổ chức Hear.Us.Now dành cho cộng đồng, 60giay.com đã có buổi trò chuyện với anh Lê Đình Hiếu – người đang điều hành trực tiếp tổ chức để hiểu những giá trị nhân văn, cao cả!

Anh Lê Đình Hiếu hiện đang điều hành Dự án phi lợi nhuận Hear.Us.Now nhằm xóa bỏ bất đình đẳng trong giáo dục đối với người câm điếc. 

Tôi được truyền cảm hứng từ sự lạc quan của mẹ!

PV: Anh có thể chia sẻ lý do quyết định thành lập tổ chức Hear.Us.Now?

Có một biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời tôi, là bước ngoặt lớn ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Khi tôi hơn 10 tuổi, tôi biết được hầu hết những người phụ nữ bên nhà ngoại như: Bà, cô, dì, chị…có tốc độ lão hóa thính lực nhanh hơn so với người bình thường. Họ chỉ mới bước sanng tuổi 30 nhưng khả năng nghe rất kém và tình trạng càng tồi tệ vào những năm tháng sau.

Và một ngày, tôi phát hiện ra mẹ mình bị điếc, cảm xúc bàng hoàng, lo sợ, hoang mang bao vây lấy tôi. Mẹ giấu cả gia đình, mỗi ba biết. Tình cờ tôi biết điều khủng khiếp ấy khi thấy mẹ đang nhét chiếc máy trợ thính vào tai. Khi đó, mẹ mới ngoài 30 tuổi và mẹ là một giáo viên dạy thanh nhạc. Mẹ phải từ bỏ công việc, chuyển từ nghề giáo sang bán cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cuộc sống của mẹ thay đổi hoàn toàn, thay đổi cả những giấc mơ, giá trị sống mà mẹ mong ước. Nhưng mẹ vẫn cố gắng lạc quan đối diện với cuộc đời.

Năm tôi 25 tuổi, tôi quản lý cho chuỗi trung tâm anh ngữ phối hợp với những người bạn thành lập ra. Một tiếng gọi thần kỳ xuất hiện và thôi thúc tôi: Đã đến lúc mình phải làm một cái gì đó cho cộng đồng người câm điếc. Và tôi đặt mục tiêu giúp họ cũng lạc quan và yêu đời giống như mẹ của mình. Tôi mở lớp học tiếng Anh và các khóa đào tạo kỹ năng cho những người kém may mắn.

PV: Với mục tiêu đó, theo anh đâu là điều quan trọng để giúp người câm điếc hòa nhập với cuộc sống?

Với câu hỏi này, tôi xin được trích dẫn lời chia sẻ của mẹ tôi – một người mất khả năng nghe khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bà cho rằng, việc quan trọng đầu tiên là không để những người câm điếc có cảm giác mình bị loại bỏ khỏi xã hội. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu mình sống mà không nghe thấy mọi người xung quanh nói, lập tức sẽ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Giống như việc bạn đi nước ngoài vậy, cảm thấy lo sợ khi không hiểu mọi người nói gì. Nhưng ít nhất bạn còn nghe thấy âm thanh còn người điếc thì hoàn toàn không nghe thấy một thứ âm thanh nào.

Điều thứ hai, mẹ tôi cho rằng kiến thức là vũ khí giúp người câm điếc không bị lạc lõng. Tôi rất tâm đắc và khắc sâu một câu nói của bà: “Học bao nhiêu chưa bao giờ là đủ, đôi khi con chỉ cần học một chút thôi là sẽ cảm thấy tự tin hơn bởi mình biết mình có tri thức nên tự hào vì điều đó”.

Tôi tìm hiểu và phát hiện, trong tất cả các trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam đều không nhận dạy người câm điếc. Có nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh ấy khao khát được học ngoại ngữ nhưng chúng không biết học ở đâu. Tôi bắt đầu công việc hỗ trợ người câm điếc từ đó. Học tập các nước phát triển ở châu Âu, tôi giáo dục cho các em bằng trực quan hình ảnh và may mắn là đã thành công. Có nhiều giáo viên tại trung tâm tình nguyện dành 2 giờ/tháng để tham gia dự án giàu tính nhân văn đó.

Tổng số học sinh câm điếc đã học tiếng anh, tin học, kỹ năng sống tại trung tâm là hơn 1000 em. Nghe có vẻ cũng lớn nhưng nếu chúng ta so sánh với con số 3 triệu người câm điếc ngoài kia thì như “muối bỏ bể”. Làm việc có mục đích, làm việc có lý do thì sẽ giúp chúng ta theo đuổi một cách bền vững.

Anh Lê Đình Hiếu cùng những học viên của mình. (ẢNH: NVCC)

PV: Từ đầu câu chuyện đến giờ, anh luôn nhắc đến mẹ. Vậy mẹ có phải là người có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của anh không?

Từ lúc hai chị em tôi còn nhỏ, ba đi công tác rất nhiều, trong một năm thì có hơn 50% số ngày ba không ở nhà. Trước ba làm trong quân đội rồi sau này phụ trách nông trường cao su. Mẹ vẫn thường tếu táo với các con: “Ở đâu có rừng cao su thì ở đó có ba”.

Có một lần tôi hỏi mẹ: “Tại sao bị điếc mà mẹ không buồn?”. Mẹ chỉ mỉm cười và nói rằng bởi mẹ tìm hiểu thế mạnh của người điếc và học cách thích nghi. Việc bị điếc cũng có thế mạnh rất hay là được chọn nghe những điều mình muốn nghe. Hồi nhỏ, có những lúc chứng kiến ba mẹ cãi lộn, cằn nhằn. Lúc đó, mẹ tháo máy trợ thính ra, mặc kệ ba tôi nói. Mẹ và những người bị điếc có thể chọn lựa không nghe. Câu chuyện mẹ kể tôi thấy buồn cười nhưng sau này ngẫm lại thì đúng thật.

Và một bài học mẹ dạy khiến tôi nhớ mãi, đến nay vẫn áp dụng đó là học cách thích nghi, chấp nhận. Năm 18 tuổi, tôi nhận được học bổng và ra nước ngoài học tập. Mẹ tiễn tôi ra sân bây và dặn mình một câu, đó là “lời vàng ngọc” mẹ đúc kết từ những trải nghiệm: “Trong cuộc đời, có những thứ mình không chiến thắng được, cũng như căn bệnh của mẹ, mẹ đã biết từ lúc còn nhỏ. Nhưng đến năm 30 tuổi, mẹ vẫn phải đối mặt với nó thôi. Cũng như con vậy, nếu con xác định có những thứ không chiến thắng được thì hãy học cách sống với nó hòa bình và vui vẻ. Hãy biến những thứ bất lợi thành sức mạnh riêng”. Những bà mẹ khác thì luôn dạy con phải "chiến đấu", cố gắng vượt qua mọi thứ, còn mẹ thì khá khác biệt.

PV: Anh đã vận dụng bài học của mẹ như thế nào khi đi du học nước ngoài?

Khi sang Mỹ, tôi nhận ra một điều bất cập hơn so với các bạn là chiều cao khiêm tốn. Tôi cao 1m70, ở Việt Nam được đánh giá là bình thường. Lúc đầu, tôi mặc cảm về điều đó nhưng sau này, tôi phát hiện ra đây cũng là một cách nhận diện trước mọi người. Tôi luôn giới thiệu mình như sau: “Chào mọi người, tôi là Hiếu, tôi là thằng lùn đến từ Việt Nam”. Cách giới thiệu độc đáo ấy khiến ai cũng nhớ đến.

Trong cuộc sống, chúng ta phải nhận thức được đâu là những thứ phải cố gắng thì dành thời gian "chiến đấu" đến cùng. Còn những điều nên chấp nhận nó thì hãy sống hòa bình, hạnh phúc. Thậm chí, biến nó thành niềm vui, thành sự khác biệt độc quyền của bản thân. Trước một vấn đề tiêu cực, thay đổi góc nhìn bằng sự tích cực sẽ giúp có ứng xử với người khác.

4 yếu tố "vàng" giúp định hướng bản thân

PV: Ngoài sự ảnh hưởng lớn từ mẹ, đâu là điều giúp anh xây dựng hệ nhận thức tối như vậy?

Trong giáo dục, việc dạy trẻ em có khả năng nhận thức bản thân rất quan trọng. Đó là dạy trẻ cách gọi tên được cảm xúc của chính mình, cái đó là bước đầu nhận thức được mình đang có những gì.

Từ xưa đến nay, tôi luôn giữ thói quen viết nhật ký. Và tôi cũng yêu cầu nhân viên viết nhật ký, đó là cách tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Nếu ngày hôm nay, được làm lại chuyện đó thì mình có làm tốt hơn không? Bài học rút ra là gì?”

Quan trọng nhất là bạn dám đối diện với bản thân và chỉ ra những điểm chưa tốt và tìm cách khắc phục. Từ cách đó, bạn sẽ dễ cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có. Bởi khi chúng ta không hạnh phúc là tình trạng của bất lực, không làm chủ được tình huống hoặc đang chịu áp lực đua ganh với xã hội. Còn nếu chúng ta đã hiểu rõ về bản thân, hiểu được điểm yếu, điểm mạnh thì sẽ cảm thấy hạnh phúc với bản thân mình.

Khẳng định giá trị bản thân là bài học đầu tiên anh Lê Đình Hiếu dạy các bạn trẻ. (Ảnh: NVCC)

PV: Lý do giúp anh có khả năng định hướng bản thân từ sớm? Cách phát triển nó như thế nào, thưa anh?

Điều đầu tiên, tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Khi còn học cấp 1, tôi được bà nội định hướng việc đọc sách, học ngoại ngữ. Bà là cô giáo đầu tiên dạy tôi tiếng Pháp.

Điều thứ hai là hoàn cảnh sống giúp tôi trưởng thành. Ba luôn vắng nhà, mẹ bị điếc rất nặng, gần như không nghe thấy gì cả, bà nội thì đã già yếu; tôi khi đó là cậu bé 14, 15 tuổi đã trở thành trụ cột gia đình.

Mẹ là người buôn bán nhỏ nhỏ ấy, có khách đến là tôi ngồi nghe rồi ghi chép lại. Chị gái thì đảm nhận công việc trang trí cửa hàng tạp hóa cho mẹ. Hoàn cảnh sống khiến tôi tự phát triển kỹ năng để thích nghi. “Có làm thì mới có sai” và sai nhiều mới rút ra được bài học cho bản thân.

PV: Vậy anh có những định hướng cho các bạn trẻ như thế nào?

Điều đầu tiên, tôi luôn nói với các bạn trẻ là “Em rất có tiềm năng”. Trong quá trình nghiên cứu, tôi dám khẳn định rằng ai cũng có tiềm năng. Câu chuyện là có đi khai phá tiềm năng để biến thành tài năng riêng không thôi? Hay sẽ đi theo khuôn mẫu, định kiến, định hướng của xã hội. Hay theo đuổi thứ tiềm năng chúng ta không nằm ở đó. Nếu rơi vào tình huống ấy thì thật đáng tiếc!

Điều thứ hai, có 4 yếu tố chi phối tiềm năng:

Yếu tố 1: Tự hiểu về bản thân mình.

Tôi thường yêu cầu học sinh phỏng vấn 5 người tiếp xúc nhiều nhất để hiểu bản thân mình hơn. Chúng ta đều có điểm mù (những thứ mà chúng ta không thấy được về bản thân). Tôi dạy các em học quản lý được những mối quan hệ xã hội, học để quản lý được cảm xúc. Chỉ khi hiểu được mình mới có thể nhận ra tiềm năng.

Yếu tố 2: Hiểu rõ bản chất nghề nghiệp hướng đến.

Yếu tố này thuộc một phần trách nhiệm của người lớn. Người lớn có nhiệm vụ nói đúng và nói thật, nói đầy đủ về những lựa chọn khác nhau. Tôi phát hiện các bạn câm điếc tiếp thu tốt hơn các bạn bình thường bởi lúc này, các như tờ giấy trắng. Và lợi thế của các bạn bị câm điếc là nếu đưa thông tin đúng, hướng tiếp cận đúng thì tiếp nhận thông tin nhanh, có sự tiến bộ trong suy nghĩ và hành động.

Yếu tố thứ 3: Hiểu rõ cộng đồng xã hội xung quanh

Khi chọn nghề nghiệp, ngoài việc lựa chọn cho bản thân thì chúng ta còn để phục vụ xã hội. Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ giỏi nhiều lĩnh vực, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Vậy khi định hướng công việc cho các bạn ấy, tôi thường gợi mở: Bối cảnh đất nước như thế nào? Đâu là thứ đem lại giá trị lớn nhất cho nơi bạn sinh sống, cho những người xung quanh bạn? Và khi nhận ra, các bạn sẽ hiểu cuộc đời mình ý nghĩa rất nhiều.

Yếu tố thứ 4: Luôn sống trong niềm hạnh phúc.

Dù chọn nghề nào thì kỹ năng học cách hạnh phúc với nghề đó là điều vô cùng quan trọng. Đừng áp lực bởi mọi điều xung quanh, đừng nhảy việc linh tinh chỉ bởi lương cao. Hãy học cách sống hạnh phúc với sự nghiệp, hạnh phúc với những gì mình đang tạo ra. Đạt đến ngưỡng đó thì mới thăng tiến được. Còn nếu chúng ta cứ ganh đua về chức danh, tiền bạc sẽ khó phát triển sự nghiệp.

PV: Vậy định nghĩa của anh khi “nghĩ về người khác” là gì?

Theo tôi, một người biết nghĩ về người khác là người cảm nhận được nỗi đau, nỗi vất vả, sự khó khăn thầm kín của người khác. Có những nỗi đau thầm kín mà họ không chia sẻ, nhưng mình suy nghĩ, tự “nhúng” mình vào cuộc sống của họ để cảm nhận và hiểu thì đó đích thực là người sâu sắc.

Ứng Hà Chi

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu