Một vấn đề rất cần quan tâm nữa là hiện nay, nhiều cảng sông, cảng biển gần như đóng băng không thể nhập, xuất hàng hóa gây tác hại rất lớn tới nền kinh tế.
Do đó để đảm bảo lưu thông và phân phối hàng hóa cần phải tiêm vắc-xin cho tất cả đối tượng tham gia vào hệ thống và cần có thông báo ưu tiên cho nhóm đối tượng này một cách rất chi tiết, rõ ràng vì cần xác định họ là những người tham gia vào hệ thống lưu thông, phân phối hàng hoá. Sản xuất mà không có nguyên liệu hoặc sản xuất ra thành phẩm mà không vận chuyển đến nơi cần sử dụng được thì cũng gây ra nhiều thiệt hại. Khi những đối tượng này biết mình trong danh sách được ưu tiên tiêm vắc-xin thì họ sẽ đến điểm tiêm để làm thủ tục. Điều này giúp giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hoá, ít nhất là an toàn hơn và không có nhiều rủi ro.
Bộ Y tế đã có quy định 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Các địa phương đã và đang triển khai thực hiện quy định này. Quy định này có thể phù hợp khi chúng ta có đủ vắc-xin để tiêm hết các nhóm đối tượng ưu tiên đó trên toàn quốc và trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Trong tình hình dịch bùng phát, ngoài khả năng kiểm soát ở nhiều địa phương thì cần điều chỉnh ngay quy định này. Bên cạnh xác định nhóm ưu tiên cũng cần xác định nhóm nên hoãn tiêm chủng. Vắc-xin rất quý nên cần cân nhắc rất kỹ từng mũi tiêm để đảm bảo thành công trong cả hai nhiệm vụ trọng tâm nói trên nếu muốn đảm bảo đạt được mục tiêu kép.
Dù chúng ta rất xem trọng ngành giáo dục là luôn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo ” nhưng trong tình hình này ưu tiên tiêm cho giáo viên là không hợp lý. Lực lượng sản xuất và vận chuyển, phân phối hàng hoá không thể làm online. Nhưng giáo viên, học sinh, sinh viên đang trong thời gian nghỉ hè và khi khai giảng năm học mới vẫn hoàn toàn có thể dạy và học theo hình thức trực tuyến nên chưa cần tiêm chủng vaccine đợt này khi số lượng vắc xin còn rất khan hiếm như hiện nay.
Thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu thì dồn nguồn lực cho công tác tiêm chủng. Tiêm chủng mới là vấn đề mấu chốt để thoát được đại dịch. Nếu như chúng ta có một kế hoạch tiêm chủng hiệu quả thì có thể kiểm soát được dịch với một thời hạn mà mình có thể tính toán được. Hiện đang thiếu vắc-xin mà nếu chúng ta không xác định chính xác đối tượng được tiêm, không tính toán số lượng một cách phù hợp thì không giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Nhóm ưu tiên cần xác định vừa có tính khái quát cao nhưng cũng cần chi tiết và cụ thể để việc thực thi dễ dàng, chính xác và đúng mục tiêu. Không chỉ nói những người làm công tác vận chuyển hàng hoá mà phải nói rõ đối tượng tham gia vào hệ thống kho vận và phân phối lưu thông hàng hoá bao gồm tài xế, phụ xế, người làm nhiệm vụ giao nhận hàng, thủ kho, phụ kho, thư ký kho ở nhà máy, cảng hàng không, cảng sông, cảng biển, siêu thị, nhân viên bốc xếp, nhân viên bán hàng, người kiểm soát lưu thông bao gồm cả người bán vé trên tất cả các tuyến đường trong cả nước… Không nói quân đội chung chung mà phải xác định binh chủng nào, làm nhiệm vụ gì có thực sự cần thiết phải tiêm chích ngay hay không ví dụ binh chủng không quân, hải quân có cần phải tiêm phòng ngay hay không? Lục quân thì sẽ tiêm cho thành phần nào, vì sao cần ưu tiên cho đối tượng đó. Tất cả cần xác định thật rõ ràng và hợp lý.
Ngoài đối tượng ngành y và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch (Nhóm ưu tiên số 1). Nên đặt ưu tiên số 2 là những người tham gia hệ thống lưu thông phân phối hàng hoá, không kể hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm hay không mà tất cả hàng hoá phục vụ cho sản xuất đều quan trọng. Nền kinh tế đang phụ thuộc vào việc lưu thông hàng hoá đó, nếu ách tắc chỉ vì nhân lực trong hệ thống này chưa kịp tiêm vắc-xin thì đó là một điều thật đáng tiếc. Việc ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Nhóm 2 này sẽ tạo ra nhiều “luồng xanh” làm lưu thông huyết mạch nền kinh tế; hàn gắn chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất của cả nền kinh tế; liên kết các “vùng xanh” với “vùng xanh” và giữa các “vùng xanh” và “vùng đỏ”. Từ đó, đời sống và hoạt động sản xuất trong các “vùng đỏ” vẫn được tiếp sức và vận hành, không gần như tê liệt như hiện nay. Nhóm 3 nên là những doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống cho người dân, tiếp theo đó nhóm 4 là những doanh nghiệp đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ ” hay “một cung đường hai điểm đến ”. Vì thực tế thì những công trình, nhà máy có yêu cầu về tiến độ rất cấp bách thì mới tổ chức hoạt động sản xuất theo mô hình này, một mô hình sản xuất hết sức khó khăn và rất tốn kém. Đối tượng ưu tiên 5 là nhân lực tham gia sản xuất tại các khu chế xuất. Sản xuất cho đối tác trong nước thì lý do dịch bệnh có thể được xem là bất khả kháng, nhưng với hợp đồng sản xuất cung cấp cho nước ngoài thì chưa chắc đã được đối tác chấp nhận. Bởi lẽ trong hợp đồng kinh tế, thời hạn giao hàng rất quan trọng, chậm là bị phạt, không chỉ thiệt hại về tài chánh mà còn mất uy tín chung cho cả khối xuất khẩu. Vì thế, ưu tiên số 5 để bảo vệ cho nền kinh tế là tiêm cho nhân lực tại các khu chế xuất, công nhân ở công ty làm hàng xuất khẩu. Còn lại nhóm 6 là các lực lượng sản xuất công nghiệp tập trung khác.
Nếu phân nhóm quá nhiều cũng gây phức tạp nên tạm thời như vậy. Và tôi cho rằng khi đã xác định được nhóm đối tượng ưu tiên trong lực lượng sản xuất thì cần đưa xe lưu động đến từng khu công nghiệp, từng nhà máy để tiêm. Xe lưu động đó trước mắt không nên dùng để tiêm đại trà.
Việc quan trọng nhất bây giờ là phải giải quyết sớm nhất có thể vấn đề vắc xin với toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, lưu thông hàng hoá. Trong các khu vực bùng dịch thì cần thêm một nhóm đối tượng ưu tiên nữa là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế... Xác định đối tượng ưu tiên chính xác chúng ta sẽ không lãng phí một mũi vắc xin nào cả trong khi nước nhà lâm bệnh mà vaccine có thể xem như là thần dược.
Chắc cũng có người sẽ hỏi tôi là từ góc độ doanh nghiệp thì ông Lê Viết Hải thấy ngành của mình thuộc nhóm ưu tiên nào. Tôi xin trả lời luôn là ngành tôi chỉ thuộc nhóm số 6 thôi (nhóm sản xuất và dịch vụ) chứ không thể quan trọng hơn 5 nhóm đầu tiên được. Tuy nhiên đối với những công trường tổ chức thi công theo mô hinh “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến” thì vẫn thuộc nhóm 4.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải tính toán hết sức khoa học, hợp lý, có số liệu chính xác để từ định lượng ta có đối sách cho từng địa phương một cách hợp lý, để vừa kiểm soát được dịch mà vẫn duy trì được sản xuất và lưu thông hàng hoá.
Để khôi phục nền kinh tế, quan trọng nhất là đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt trên cả nước chứ không phải ở tỉnh thành nào cả. Muốn đạt được thì cách duy nhất là tiêm vắc-xin 2 mũi với 75-80% dân số. Và để mở cửa nền kinh tế thì phải đảm bảo được điều này. Khi đó, chúng ta mới thu hút đầu tư nước ngoài, mở cửa du lịch. Khi có 2 nguồn lợi này thì nền kinh tế mới mau chóng phục hồi.
Theo thông tin được công bố trong năm nay, chúng ta đã có hợp đồng nhập về 120 triệu liều vắc-xin. Theo tôi được biết, Chính phủ và một số tổ chức ngoài Chính phủ đang vận động để vắc-xin có thể về Việt Nam được nhiều hơn nhằm đảm bảo 2 mũi tiêm cho trên 80% dân số (cần thêm khoảng 40 triệu liều). Vấn đề còn lại chỉ là công tác tổ chức tiêm phòng sao cho thật nhanh mà vẫn bảo đảm an toàn.
Phương án tận dụng chính những nơi từng làm điểm bầu cử ĐBQH trước đây có thể giải quyết được vấn đề này. Chúng ta chỉ cần huy động thêm mỗi điểm 1 bác sĩ và 2-3 y tá (địa phương có thể tự lo) còn lại có thể tận dụng nhân lực phục vụ công tác bầu cử tại những địa điểm đó, hướng dẫn chi tiết cho họ. Cách làm này rất thuận lợi vì danh sách tiêm phòng với danh sách cử tri sẽ không khác nhau là mấy và quan trọng nhất là sẽ đảm bảo an toàn do phân tán nhỏ các điểm tiêm phòng để không tụ tập đông người. Áp dụng phương án này trong vòng không quá 3 tháng sẽ tiêm chích hết cho toàn dân đủ 2 mũi.
Trước mắt cần có phương án tối ưu trong đó phân phối vắc-xin đúng đối tượng để đảm bảo sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hoá trong nước được thông suốt là vấn đề tối quan trọng cần tính toán khoa học dựa trên những chỉ số được lập căn cứ vào những thông tin chính xác, đầy đủ và khách quan.