11:44 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cần chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu

18:05 11/08/2022

(THPL) - Việc liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia được cho là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng và triển khai các hoạt động kết nối nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc (TQ) luôn ở vị trí dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam (VN) trong tổng số thị trường nhập khẩu. Trong 7 tháng đầu năm nay, TQ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch ước tính đạt 72,45 tỷ USD, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng hóa nhập từ TQ chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất như máy móc, thiết bị, điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện, phụ tùng ô tô; phân bón các loại...

Theo báo Pháp luật TP.HCM, từ nhiều năm nay các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… thường xuyên kêu gọi phải gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước để giảm thiểu rủi ro. Thế nhưng thực tế, việc sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ thị trường TQ.

Chính sự bất cập, hạn chế này đã gây ra không ít khó khăn cho các công ty Việt Nam mà rõ nhất là trong hai năm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua. Có thời điểm hàng loạt công ty ngành dệt may, da giày, điện tử… của VN trong tình trạng gần như không đủ nguyên liệu để sản xuất do TQ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch, dẫn đến nguồn cung bị đứt gãy.

Đại diện một công ty ngành dệt may thừa nhận việc phụ thuộc vào vài thị trường gặp rất nhiều rủi ro nhưng TQ ở gần VN, chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa rẻ hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào vài thị trường thì các công ty Việt sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đa dạng hóa nguồn cung. Chính phủ cần có chính sách tài khóa hoặc hỗ trợ tín dụng để nhà sản xuất, kinh doanh đa dạng hóa các thị trường tiếp cận. Thị trường TQ vẫn là ẩn số, chưa biết thế nào, trong khi đại dịch vẫn bùng phát ở một số nơi”.

Việt Nam cần chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng do doanh nghiệp nội địa dẫn đầu. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thông tin trên, theo báo Công thương, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.

Như vậy, có thể nói khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự liên kết này còn lỏng lẻo là bởi nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.

Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, có thể nói là còn yếu. Tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp nội thường chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu "mạnh ai, người ấy làm" hoặc "làm tất, ăn cả"; chỉ quan tâm đến việc tìm manh mối làm ăn cho riêng mình, cũng chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích to lớn của việc liên kết thành cộng đồng doanh nghiệp nội địa hoặc giữa doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực có thế mạnh.

Cũng liên quan đến hạn chế này, ông Phạm Anh Tuấn cũng nhìn nhận, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư.

Trong khi đó, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác.

Cho rằng sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI là vấn đề then chốt của công nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Muốn tham gia chuỗi phải tạo và xây dựng, phát triển chuỗi của người Việt do doanh nghiệp Việt dẫn đầu.

Trong trường hợp chưa có được điều đó thì phải chú ý làm sao các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt.

Tình huống tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt khá khó khăn vì họ có chuỗi cố định, nhiều doanh nghiệp đã đi cùng với họ. Khi họ đến một quốc gia khác, nếu doanh nghiệp nước sở tại không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ có lý do để đưa doanh nghiệp của họ vào. "Như vậy, sân chơi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích dành cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất đi. Nếu không có chiến lược thì Việt Nam ngày càng ở thế bất lợi. Việc gia tăng sản lượng công nghiệp không hoàn toàn tương ứng với năng lực của sản xuất công Việt Nam theo đúng nghĩa gốc", PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đi vào triển khai thực tế còn khiêm tốn. Trong khi đó, hiện nay để phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó hơn trước rất nhiều, đối thủ là Trung Quốc, Ấn Độ - tính chuyên nghiệp của họ cao. Do vậy, Nhà nước cần phải xây dựng định hướng phát triển cụ thể, cũng như ưu tiên cho từng ngành. Nhà nước muốn có ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô hay cơ khí, chứ không thể nói công nghiệp hỗ trợ chung chung.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu