16:25 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt gồng mình trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng

15:23 10/07/2022

(THPL) -Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ngày nay mang tính toàn diện và toàn cầu. Bắt đầu từ việc các nhà máy không thể cung cấp đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu hoặc lao động, cho đến việc hàng hóa đã được sản xuất ra không thể vận chuyển kịp thời.... Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm sự phụ thuộc vào sự gián đoạn chung của thế giới.

Theo tìm hiểu, hiện không chỉ ô tô, nhiều hãng xe máy tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu linh kiện để sản xuất khiến nguồn cung bị hạn chế. Cụ thể, thị trường xe máy lên cơn "sốt" khi giá xe tăng chóng mặt. Mặc dù giá tăng mạnh, nhưng nhiều đại lý cũng không có hàng để bán. Trong khi đó, người tiêu dùng muốn mua xe phải đặt hàng sớm và chịu mức giá bán chênh lệch lớn.

Đặc biệt, giá xe máy Honda Vision, Honda Air Blade, Honda SH hay SH Mode luôn trong tình trạng chênh vài chục triệu đồng so với giá đề xuất của hãng…

Nguyên nhân phần lớn dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá các loại xe nói chung và xe máy nói riêng là do thiếu nguồn cung chip và chi phí đầu sản xuất tăng. Do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, đây là diễn biến được vị đại diện cho rằng, đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của cả ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xe máy toàn cầu…

Trong tương lai gần, Việt Nam có kế hoạch thu hút, hoặc đầu tư nhà máy sản xuất chip. Nhưng chỉ phục vụ trong ngành máy vi tính. Còn về sản xuất chip để phục vụ trong ngành ô tô và xe máy thì chưa bởi có những đặc thù nhất định. Do đó, tình trạng khan hiếm xe máy do thiếu chip vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến sản xuất của Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện nguồn cung đang không đủ đáp ứng nhu cầu nên việc giá xe tăng cũng là điều bình thường, thể hiện quan hệ cung cầu của thị trường. “Còn về việc giá hoá đơn thấp hơn giá bán, thực chất đây là hành vi trốn thuế. Muốn kiểm tra xem có việc này hay không, cơ quan thuế hoàn toàn làm được”, ông Long nói.

Trước những biến động về giá cả thị trường như hiện nay, một số hãng xe đưa ra lời khuyên cho khách hàng là nếu không quá cấp thiết thì cũng không nên mua xe tại thời điểm này. Và cũng theo đại diện một số hãng xe, việc đứt gãy nguồn cung đang từ từ được khắc phục từ đầu tháng 7 này khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang có những động thái dỡ bỏ hạn chế, nhưng để về trạng thái bình thường thì vẫn cần thời gian và sẽ cần phải có những giải pháp để ứng phó.

Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, cho biết: "Việc mất cân bằng cung cầu sẽ đẩy giá các sản phẩm tăng cao. Với việc dỡ bỏ hạn chế của Thượng Hải gần đây, chúng tôi hy vọng có thể tăng dần số lượng cung ứng cho thị trường từ tháng 7 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Doanh nghiệp Việt gồng mình trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa

Bên cạnh xe máy, nhiều ngành hàng lớn như dệt may, da giày,… dù đã có đơn hàng tới tận cuối năm nhưng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu lại đang đặt ra không ít thách thức.

Chuỗi cung ứng toàn cầu vừa được nối lại đã tiếp tục đứt gãy do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia cũng như làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhiều ngành sản xuất trong nước lập tức gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ chậm giao đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến rủi ro thanh toán.

Sản xuất điện tử là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp tỷ trọng cao trong xuất khẩu cũng như cân bằng cán cân thương mại của đất nước, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn do biến động của chuỗi cung ứng.

Báo Nhân dân đưa tin, theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), một trong hai mảng sản xuất chính của ngành điện tử là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đang nhập khẩu 29,58% linh phụ kiện từ Hàn Quốc và 28,8% từ Trung Quốc. Tỷ lệ này đối với mảng điện thoại các loại và linh kiện cao hơn nhiều, lần lượt là 52,14% và 40,49%. Do đó, khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn, cả những "ông lớn" như Samsung hay Apple đều bị ảnh hưởng. Theo một số nguồn tin, Samsung chỉ sản xuất được khoảng 12 triệu chiếc điện thoại thông minh trong tháng 5 vừa qua, sụt giảm đến 20% so cùng kỳ năm trước. Khối lượng sản xuất lũy kế bốn tháng đầu năm của tập đoàn này cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thị trường Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn nguyên phụ liệu đầu vào rất lớn cho ngành dệt may trong nước, bao gồm khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu. Do đó, khi nước này kiên trì áp dụng chiến lược "zero Covid" dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành.

Không những vậy, theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt, các doanh nghiệp còn phải đối mặt giá chi phí vận chuyển, logistics ngày càng tăng cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh không đạt kỳ vọng. Ðáng chú ý, giá đầu vào tăng cao, nhưng sản phẩm đầu ra không thể tăng theo khiến lợi nhuận bị giảm, tác động xấu tới việc duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết thêm, khó khăn về logistics tiếp tục là vấn đề thời gian. Như trước đây, bình quân thời gian chuẩn bị nguyên liệu bông cả trên đường và về kho mất khoảng hai đến ba tháng thì nay kéo dài tới sáu tháng. Không mua hàng, doanh nghiệp sẽ không có nguyên liệu để sản xuất; mua hàng thì thời gian vận chuyển kéo dài, vốn lưu động tăng vọt gấp đôi. Ðây là những thách thức rất lớn mà doanh nghiệp đang phải đối diện.

Theo báo VTV News, trước thực trạng trên các chuyên gia cho rằng, tình trạng dán đoạn chuỗi cung ứng khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Do vậy, đứng trước những thách thức như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất tiến tới kinh tế tuần hoàn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm sự phụ thuộc vào sự gián đoạn chung của thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm rất nhiều cách để có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian qua. Tuy nhiên, để có thể vận hành và đáp ứng được thị trường trong dài hạn, đa dạng nguồn cung, tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới, tăng cường nội địa hóa, kết nối với các chuỗi phụ trợ trong nước… là những giải pháp cấp bách mà các doanh nghiệp cần lưu ý vào lúc này.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu