19:39 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các phương án gỡ vướng cho dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm

15:50 17/12/2024

(THPL) - Theo Bộ Công Thương, đối với những dự án không vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia sẽ được phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.

Phương án gỡ vướng dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm

Theo Bộ Công Thương, Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương án tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm đưa ra 6 nhóm giải pháp. 

Cụ thể, đối với những dự án không vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia sẽ được phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.

Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình sẽ cho phép hoàn thiện theo quy định. Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng, các cơ quan chức năng sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp; đồng thời thực hiện cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.

Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền (do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện) sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; đồng thời bị thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm, nghiệp “đội lốt” dưới mô hình trang trại nuôi trồng, các chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định, đồng thời thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Bộ Công Thương đã đề xuất 6 nhóm giải pháp gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại, các dự án sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán theo quy định; đồng thời bị thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện. Các dự án này phải thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.

Bộ Công Thương sẽ tuân thủ 6 quan điểm gỡ vướng

Trước đó, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ tuân thủ 6 quan điểm.

Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, góp phần thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện 8, cam kết của Việt Nam tại COP 26, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực bên ngoài.

Thứ hai, lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc và hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư.

Thứ ba, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vụ án đã khởi tố. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp phát hiện vi phạm, tham nhũng thì tiếp tục xử lý nghiêm.

Thứ tư, thống nhất quan điểm xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng khi không thể xử lý các vi phạm, vướng mắc bằng các giải pháp kinh tế; nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả hoặc không phát hiện hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.

Thứ năm, không hợp pháp hóa để miễn trừ xử lý cho các hành vi tham nhũng, các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức đã gây ra thiệt hại. Không làm phát sinh sai phạm mới. Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Thứ sáu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định pháp luật.

Đánh giá cao 6 nhóm giải pháp được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra, ông Quản Duy Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong điện Hải Anh, Quảng Trị cho biết: Tôi rất đồng thuận với các nhóm giải pháp được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra. Các nhóm giải pháp đã được phân loại thành các nhóm vấn đề và cách giải quyết vấn rất rõ ràng, cụ thể.

Tuy nhiên, ông Quản Duy Hải đề nghị, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại, các nhóm giải pháp trên cần thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra hoặc nhanh hơn càng tốt. “Dự án nào xử lý xong trước thì cho vận hành luôn, tránh lãng phí. Không cần chờ xử lý xong 154 dự án”- ông Hải nhấn mạnh.

Còn theo ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận chia sẻ: Tại mục 1,2 và 3 tôi thấy đây là tín hiệu rất tích cực nhằm tháo gỡ những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay của các dự án năng lượng tái tạo trong đó có chồng lấn quy hoạch và các thủ tục về đất đai.

“Nhiều dự án trong đó có đường dây 500kV mạch 3 vừa rồi mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng thủ tục về đất đai sẽ không thể xong hết ngay được vì nhiều lý do khác nhau. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc thì không dự án nào làm được cả”- ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, việc chồng lấn quy hoạch, nhất là với quy hoạch khoáng sản thì cần ưu tiên cho phát triển năng lượng. “Khoáng sản chưa khai thác thì vẫn còn đó, còn gió và mặt trời thì sẽ mất đi. Chúng ta hãy để dành khoáng sản cho thế hệ con cháu”- ông Thịnh góp ý.

Cơ quan, cấp ngành địa phương nào thì cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó phải giải quyết

Bộ Công Thương cho biết, nguyên tắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp ngành địa phương nào thì cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó phải giải quyết. Đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điều chỉnh VII, có 14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT (giá khuyến khích) không đúng đối tượng như: Hacom Solar, điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Sơn Mỹ 2, Sơn Mỹ, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra 1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ và dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV.

173 nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản như Nam Bình 1, Asia Đắk Song 1, Đắk N'Drung 1, 2, 3...

5 dự án chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới như điện mặt trời Phước Hữu, Mỹ Sơn, Trung Sơn, Quán Thẻ, Tân Mỹ...

Có 1 dự án chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng; 40 dự án sai trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai. Đặc biệt, có 413 dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.

Nghiêm cấm tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo diễn ra ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các dự án điện năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư với quy mô hơn 306 nghìn tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD), chiếm tỷ trọng công suất khoảng 12,85% và tỷ trọng sản lượng điện khoảng 6,06% của hệ thống điện nếu không tháo gỡ để đưa vào vận hành sẽ gây lãng phí về nguồn vốn đã đầu tư; lãng phí nguồn điện, không bổ sung được nguồn điện trong khi chúng ta đang rất cần, nhất là giai đoạn 2026 - 2030.

Các giải pháp tháo gỡ được các Bộ, ngành, cơ quan địa phương thống nhất rất cao, Chính phủ đã thông qua nên cần phải quán triệt tổ chức thực hiện ngay, khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, xử lý ngay các vướng mắc theo thẩm quyền cho các dự án trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đấy phải xử lý giải quyết, không được đùn đẩy lên cấp trên hoặc xử lý vòng vo. Đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Xử lý các vướng mắc phải công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm; trục lợi cá nhân và phải xử lý trong tháng 1/2025.

Bên cạnh yêu cầu cụ thể đối với các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng đề nghị các chủ đầu tư chủ động khắc phục đầy đủ các vi phạm, thiếu sót do cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành của dự án phù hợp với quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc, thực hiện khắc phục đúng theo Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo…

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu