18:38 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ TT&TT sẽ quyết liệt xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến

Tú Linh (t/h) | 12:05 07/07/2023

(THPL) - Hiện nay, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia, tổ chức và các công ty công nghệ lớn trên thế giới đang chung tay để tìm giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện và xử lý các vụ lừa đảo trực tuyến.

Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Liên quan đến thông tin trên, Cục An toàn thông tin cho biết, nạn lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong nửa đầu năm nay có nhiều nguyên nhân như số lượng người dân sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cũng ngày 1 tinh vi và khó nhận diện. Chính vì thế, Cục đã triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến, các cách nhận diện 24 hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay, trên các nền tảng và các trang mạng xã hội.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Khi chúng ta bị lừa phần lớn là do người bị lừa đảo chưa được cập nhật hình thức lừa đảo đấy. Khi công nghệ phát triển thì hình thức lừa đảo cũng liên tục thay đổi. Do vậy, ngoài việc chiến đấu về công nghệ, tuyên truyền như thế nào để đến người dân sớm nhất và nhanh nhất sẽ mang lại giá trị rất cao".

Một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến rất tinh vi là sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tin nhắn có tên thương hiệu nhằm tăng độ uy tín với người dùng. Đại diện Cục tần số vô tuyến điện cho biết đã có giải pháp để xử lý hình thức lừa đảo nói trên.

Bộ TT&TT sẽ quyết liệt xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh hoạ

Còn theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: "Chúng tôi tìm ra giải pháp hiệu quả có thể bắt đối tượng sử dụng là phối hợp nhà mạng cùng cơ quan công an, khi BTS giả hoạt động thì nhà mạng biết là hoạt động, khoanh vùng ở khu vực nào. Cục Tần số vô tuyến điện có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật định vị chính xác BTS đang nằm ở đâu. Khi ấy công an phối hợp đi cùng bắt tại chỗ ngay. Tôi tin tưởng là chúng ta đã có giải pháp sẽ có thể phát hiện, bắt giữ các đơn vị giả mạo hiệu quả hơn".

Còn theo nhận định của các chuyên gia, công nghệ thay đổi hàng ngày. Công nghệ và không gian mạng chỉ là công cụ được những kẻ lừa đảo trực tuyến sử dụng. Việc chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản là vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà cần có sự phối hợp đồng bộ chung giữa cả mặt công nghệ, pháp lý và cơ chế.

Đặc biệt, cần tuyên tuyền rộng rãi để người dân nhận biết dấu hiệu, cảnh giác với các hình thức lừa đảo trực tuyến như trên. Bởi bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, các đối tượng sẽ liên tục áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Do đó, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Theo đó sẽ chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục triển khai thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, Sim rác. Đồng thời tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm BTS giả mạo.

Bộ sẽ đôn đốc, kiểm tra, đánh giá xây dựng triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn các cuộc gọi rác; áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, AI, dữ liệu lớn. Cùng với đó cung cấp cho người sử dụng công cụ, cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn các cuộc gọi rác, lừa đảo từ những thiết bị đầu cuối. Ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm cuộc gọi điện quảng cáo vào danh sách không quảng cáo theo quy định của Nghị định 91…

Ông Phúc cho biết thêm, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao, xác minh trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác, bước tiếp theo sẽ xem xét xử lý các thuê bao có nhiều sim (từ 10 sim trở lên).

Việc xử lý vấn đề này cần liên tục, kiên quyết để tăng tính răn đe hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người dùng về việc chủ động sử dụng các công cụ chặn cuộc gọi rác và không cung cấp thông tin cá nhân của mình một cách dễ dãi trên môi trường mạng.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu