09:28 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tạm dừng cuộc thi Game Chinh phục Vũ môn

| 16:42 09/12/2016

(THPL) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị tạm dừng tổ chức cuộc thi Game online Chinh Phục Vũ Môn sau khi bức tâm thư của một vị phụ huynh được đăng tải trên mạng xã hội.

Liên quan đến bức tâm thư của vị phụ huynh có tên Trần Trọng An (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc nhà trường tổ chức cho học sinh chơi game online trực tuyến, có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào, gây xôn xao dư luận những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến phản hồi chính thức như sau:

Cuộc thi Chinh phục Vũ môn khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn. (Ảnh: Internet).

Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” với hình thức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức tổng hợp giành cho học sinh trung học cơ sở do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng và chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015.
Từ hiệu quả của cuộc thi lần thứ nhất, theo đề xuất của Trung ương Đoàn, sau khi nghiên cứu, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016-2017).
Cuộc thi được tổ chức với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, giúp các em nắm chắc kiến thức về văn hóa, xã hội và kỹ năng sống.
Đồng thời giúp các em nâng cao nhận thức và kỹ năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuộc thi còn một số tồn tại, bất cập như thành phần tham gia thi chưa phù hợp; công tác tuyên truyền, tổ chức điều hành cuộc thi chưa tốt đã gây ra sự lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh.

Bộ trưởng yêu cầu tạm dừng cuộc thi 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Vụ Công tác học sinh - sinh viên (đơn vị đầu mối phối hợp với Trung ương Đoàn) báo cáo về việc này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị tạm dừng tổ chức cuộc thi nói trên, tiến hành rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chủ động rà soát tất cả các cuộc thi tương tự đang diễn ra hoặc dự kiến sẽ tổ chức, nếu không thiết thực, hiệu quả thì dừng ngay.
Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không tổ chức hoặc ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội.
Trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các em học sinh năng động, tìm tòi học tập qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có hình thức học tập trực tuyến, nhưng đó phải là những kênh học tập lành mạnh và hiệu quả, được thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.
Bức tâm thư của vị phụ huynh có tên Trần Trọng An có nội dung như sau:

Bức tâm thư của phụ huynh Trần Trọng An

 

“Tâm thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Kính gửi: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Tôi là: Trần Trọng An
Hiện đang sinh sống tại Hoàng Mai, Hà Nội.
Có con đang học tiểu học (lớp 5).
Tôi viết tâm thư này gửi tới Bộ trưởng vì rất lo lắng về việc các nhà trường hiện đang tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online) có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.
Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game "Chinh phục Vũ Môn" trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web.
Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ GD ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2.
Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.
Từ đó đến nay, Game Chinh Phục Vũ Môn của Egame tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800 ngàn người chơi.
Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định.
Tôi cũng thấy có thông tin, một trong những người từng đầu tư vào công ty game này đã bị bắt vì hành vi kinh doanh trái phép có liên quan tới dự án "mắc ca tỷ đô", hoclamgiau...
Với lịch sử công ty game và hoạt động như vậy, liệu ai có thể bảo đảm cho tôi và các phụ huynh khác là toàn bộ "trí tuệ" trong game này là sạch và an toàn cho trẻ em hay không?
Tôi nghĩ rằng, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị "cài đặt" game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.
Tôi cũng nghĩ rằng, là cơ quan quản lý, Bộ GD ĐT không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online.
Bằng thư này, tôi kính mong Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra hoạt động tổ chức chơi game online của các Sở và các trường, kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường.
Nếu game online này thực sự an toàn cho thể lực và trí lực cho trẻ em, cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo cho các cục chức năng làm rõ, công bố cho phụ huynh chúng tôi được biết.
Cuối thư, xin kính chúc Bộ trưởng sức khoẻ.”.

 "Cuộc thi tìm hiểu kiến thức, không phải chơi game"

 Trước khi Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo yêu cầu tạm dừng cuộc thi, trả lời câu hỏi liên quan đến việc này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) khẳng định đây là cuộc thi tìm hiểu kiến thức qua cuộc thi “Chinh phục vũ môn” chứ không phải chơi game, nhưng sử dụng qua phương tiện Internet, học sinh đăng nhập web để trả lời các câu hỏi, thông tin trên báo Đất Việt cho hay.
Đồng thời, ông Duy Anh cũng cho rằng, chương trình nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục. Sự bức xúc của phụ huynh có thể bởi học sinh lạm dụng phần mềm để chơi game.
Đại diện Công ty Cổ phần Tập Đoàn giáo dục Egame, Phó Tổng giám đốc Phạm Ngọc Thập, cho biết, đây là một game giáo dục đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép, người tham gia không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Mỗi tuần học sinh có thể thi thật 2 lần và thi xong ban tổ chức sẽ cập nhật thành tích tốt nhất để xét chọn các em vào vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Còn nếu học sinh muốn thi thử để tích lũy điểm kinh nghiệm thì mua vé thi thử bằng hình thức nạp thẻ.

PD (T/H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu