20:34 ngày 16/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ NN&PTNT: Sẽ siết chặt quản lý an toàn thực phẩm và chế tài xử phạt

17:49 16/01/2025

(THPL) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để tăng cường trách nhiệm trong chuỗi sản xuất và phân phối thì có thể xem xét tăng tần suất lấy mẫu so với Nghị định 15/2018, nâng cao trách nhiệm báo cáo kết quả cho Sở NN&PTNT.

Chiều ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk để bàn giải pháp xử lý vụ việc nghiêm trọng liên quan đến an toàn thực phẩm. 

Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến với Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk về công tác an toàn thực phẩm. Ảnh: PLO

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn. Kết quả kiểm nghiệm 35 mẫu giá đỗ thu thập được cho thấy tất cả đều chứa 6-Benzylaminopurine, một chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Các cơ sở vi phạm này đã cố tình sử dụng chất cấm để kích thích giá đỗ phát triển nhanh hơn, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngay sau khi phát hiện, hệ thống Bách Hóa Xanh đã thu hồi và tiêu hủy 343kg giá đỗ từ các cơ sở vi phạm. Đồng thời, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Lâm Đạo - đơn vị cung cấp giá đỗ chính - cũng bị thu hồi. Vụ việc dẫn đến việc khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng, là chủ sở hữu của các cơ sở sản xuất này.

Liên quan đến vụ việc trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, công an đã kết luận các cơ sở sản xuất giá đỗ vừa qua tại tỉnh là cố tình sử dụng chất cấm. Về mặt pháp lý đã đầy đủ; cơ sở làm sai, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì bị xử phạt, xử lý.

Một cơ sở sản xuất giá đỗ ủ chất cấm. Ảnh: NLĐ

Qua vụ việc giá đỗ mất an toàn thực phẩm tại Đắk Lắk này, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh: Với trách nhiệm quản lý nhà nước, địa phương cần rà soát lại cơ chế, sự phối hợp trong quản lý, giám sát giữa các bên liên quan để chấn chỉnh nếu có kẽ hở. Địa phương rà soát lại chuỗi cung ứng từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiêu thụ; sự tăng cường phối hợp trong thanh kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.

Sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Đắk Lắk cũng như các địa phương khác cần rà soát các quy định, nếu cần thiết thì kiến nghị bổ sung các quy định để tăng trách nhiệm các bên liên quan.

Thứ trưởng  Nam cho rằng, ngành nông nghiệp kiểm soát về an toàn thực phẩm, không kiểm soát về kinh doanh. Nếu hai đơn vị cùng sản xuất, kinh doanh một sản phẩm ra thị trường thì phải có trách nhiệm đảm bảo về an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc.

“Cơ quan chức năng nhà nước không thể kiểm tra 100% các cơ sở sản xuất, các sản phẩm ra thị trường. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất sản phẩm là phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối, tiêu thụ trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm” - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho hay, để tăng cường trách nhiệm trong chuỗi sản xuất và phân phối thì có thể xem xét tăng tần suất lấy mẫu so với Nghị định 15/2018, nâng cao trách nhiệm báo cáo kết quả cho Sở NN&PTNT.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu