09:33 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, tính toán lại đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Tú Chi (t/h) | 15:50 11/10/2024

(THPL) - TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, "với dự kiến miễn học phí cho con giáo viên vừa đưa ra, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dư luận với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo để có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội và công bằng với các ngành nghề khác."

Trước đó ngày 8/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này.

Sau khi được đưa ra, dự thảo vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Trong đó, phần lớn bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng đề xuất nêu trên sẽ gây ra những sự bất công, tạo ra những rào cản vô hình trong xã hội. 

Cũng liên quan đến đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho rằng việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù (ví dụ như chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã được quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam).

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, tính toán lại đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Ảnh minh hoạ

Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, của xã hội và cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.

Đây mới chỉ là dự thảo, chưa phải ý kiến cuối cùng đưa vào luật. Đặc biệt, khi đưa ra bất cứ chính sách nào, Bộ GD&ĐT phải đánh giá tác động, chính sách nào nhận được đồng thuận cao mới đưa vào luật sao cho phù hợp.

"Với dự kiến miễn học phí cho con giáo viên vừa đưa ra, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dư luận với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo để có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội và công bằng với các ngành nghề khác", Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho hay.

Cục trưởng Cục Nhà giáo cũng nói thêm, quan điểm chính khi triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, là bằng luật này sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà.

Dự kiến Luật Nhà giáo đem lại nhiều tác động tích cực, như ngành giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.

Tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu