23:29 ngày 09/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bảo vệ trẻ em nhìn từ hai vụ cháu bé 8 tuổi và Tịnh thất Bồng Lai: Chúng ta có đang mâu thuẫn?

15:54 08/01/2022

(THPL) - Chưa rõ thực hư "cây gia phả" của ông Lê Tùng Vân thế nào nhưng mấy ngày nay, tên tuổi những đứa trẻ tạm được cho là kết quả của việc "loạn luân" được chia sẻ khắp nơi - có cháu còn chưa đầy 10 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng: Hình như người lớn đã thiên lệch về cách thức bảo vệ trẻ.

Chọn cách bảo vệ có thiếu công bằng?

Ngày 7/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hoà, tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) và 3 người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai (ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây) về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

3 người bị bắt tạm giam gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), cùng ngụ huyện Đức Hoà.

Tuy nhiên, thứ được mọi người quan tâm nhiều nhất lúc này là giấy kết quả xét nghiệm ADN cũng như gia phả được cho là của ông Lê Tùng Vân đang lan truyền trên mạng xã hội.

Cộng đồng mạng chia sẻ và bàn luận xôn xao về ‘cây gia phả’

Chia sẻ trên Doanh nghiệp & tiếp thị, nhà báo Trần Thu Hà – một cây bút nổi tiếng chuyên viết về trẻ em cho biết những cháu bé ở Tịnh thất Bồng Lai đang bị khai thác thông tin cá nhân quá mức và chạm vào nỗi đau của người thân phạm nhân.

“Cả nhà ơi, trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, nhìn hình ảnh và tên tuổi, thông tin giám định ADN, cây phả hệ... của các cháu bé lan khắp chốn, thấy buồn lắm.

Cho dù cha già có tội, thì các bé cũng đâu có tội gì?

"Ai làm người đó chịu chứ, còn hình ảnh và tên tuổi đã lưu vào google thì bao giờ xóa được?”, chị Hà xót xa.

Còn nhớ, trong một vụ việc khác gây rúng động dư luận tương tự, tiếng nói bảo vệ trẻ em đã rất mạnh mẽ. Rằng công lý phải được thực thi cho cái chết của V.A, một em bé 8 tuổi bị người vẫn được tạm gọi là "dì ghẻ" đánh đập đến tử vong. Khắp các diễn đàn, khắp các trang thông tin, tiếng nói "công bằng cho V.A" đã được chia sẻ.

Nhưng có phải sự bảo vệ của người lớn đối với trẻ nhỏ đang thiếu sự công bằng. Khi những đứa trẻ, trong câu chuyện của cả hai, dù tính chất, mức độ sự việc khác nhau, nhưng đều là những đứa trẻ.

Nhà báo Lưu Phương Mai viết: "Tôi bỏ ngỏ khả năng về tính thật giả của cây phả hệ nào đó đang lan truyền. Nhưng ở đó, có danh tính đầy đủ của nhiều đứa trẻ - những đứa trẻ đã phải/ bị phơi mặt trên truyền thông, mạng xã hội, không một chút riêng tư. Không một chút tế nhị. Không một chút xót thương".

"Những người mới hôm trước khóc thương cho em bé 8 tuổi, giờ đang tiện tay share cái danh sách mà ở đó, có rất nhiều đứa trẻ đang bị lôi ra chỉ trỏ, bôi vàng bôi đỏ tên tuổi năm sinh, có thấy mình đang mâu thuẫn không? Trong vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai, chúng ta lên án cái sai, nhưng có bảo vệ trẻ em không? Hay là chia sẻ thông tin để thoả mãn sự hiếu kỳ bản thân" - Nhà báo Lưu Phương Mai nêu quan điểm.

Cần bảo vệ bí mật đời tư của trẻ em

Thông tin trên Vietnamnet, kết quả giám định cho hay, nhiều người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân, trong đó có những đứa trẻ chỉ vài tuổi.

Kết quả điều tra ban đầu cũng xác định, ông Lê Tùng Vân có ba con với ít nhất hai người con gái ruột của ông.

Một nguồn tin nói rằng, “kết quả điều tra về loạn luân xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai khi công bố sẽ là… cú sốc lớn với cộng đồng. Vì đây là vấn đề liên quan đến những đứa trẻ nên cơ quan điều tra đang tiến hành rất thận trọng”.

Theo cơ quan công an, hiện nay, Tịnh thất Bồng Lai có 18 người cư trú trong đó có 6 trẻ em. Tất cả 6 trẻ này không phải trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ vì đều được khai sinh, sống với mẹ tại tịnh thất.

“Chính vì vậy, việc người ở Tịnh thất Bồng Lai nói những đứa trẻ này mồ côi, lang thang cơ nhỡ là hoàn toàn sai sự thật, lợi dụng việc vận động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an khởi tố tội danh là đúng pháp luật”, ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định.

Về việc bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ em, trong đó có nhiều em nhỏ, ông Nam cho biết: "Trẻ em vẫn có quyền được hưởng các quyền lợi bình thường, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ danh tính, nhân thân. Bố mẹ, người khác vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật".

Ông Nam cũng cho rằng, hiện trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông đưa quá chi tiết về tên, tuổi của các bé; tên tuổi mẹ ruột của các em bé tại Tịnh Thất Bồng Lai, như vậy vi phạm điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lưu ý, các thông tin về trẻ em trong các vụ việc thường tạo ra làn sóng dư luận cực kỳ khủng khiếp.

Nếu để lộ danh tính, các em có nguy cơ đối mặt với rất nhiều tình huống xấu. Bởi đây là lứa tuổi chưa trưởng thành và ổn định về mặt tâm sinh lý. Vì vậy, việc đi quá sâu vào đời tư của trẻ em vô hình trung đã xâm phạm vào quyền được bảo vệ của trẻ.

Điển hình, sau vụ việc một số nam sinh “tố” thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại tình dục, các em đã cảm thấy bất an và lo lắng khi những dấu hiệu nhận dạng của mình được đăng, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Trước những sự việc đau lòng của con trẻ, độc giả có thể thương cảm rồi sẽ quên. Song, những nạn nhân trực tiếp của vụ việc, sống tại một địa phương cụ thể sẽ không thể nào vượt qua được dư luận, cũng khó gạt đi những mặc cảm là nỗi đau rất khó có thể nguôi ngoai.

Tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ em khi không được phép bị phạt thế nào?

Vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập phải tăng cường ở nhiều góc độ. "Phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và các cơ sở bảo trợ xã hội nói chung. Thường xuyên rà soát xem đối tượng chăm sóc này có đúng đối tượng hay không", Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay.

Cũng từ hai vụ việc liên quan đến trẻ em gần đây mới thấy rằng, những gì dư luận ứng xử với trẻ em cần phải xem xét lại, có sự định hướng cũng như cẩn trọng từ nhiều phía. Đối với trẻ nhỏ, bản thân người lớn phải chuẩn mực, phải làm gương và phải công bằng với chính các em đã.

Theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Thông tin bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Kim Sinh (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu