13:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bắc Kạn: Doanh nghiệp Cao Bắc ‘hiên ngang’ xả thải khi chưa có ĐTM? (kỳ 2)

10:26 29/03/2019

(THPL) – Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc ‘hiên ngang’ hoạt động khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng không bị cơ quan chức năng huyện Ngân Sơn xử lý mạnh tay?!

Trước đó, Thương hiệu và Pháp luật đăng tải thông tin về việc người dân sinh sống ở xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) liên tục phản ánh về tình trạng doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc (thôn Bản Tặc, xã Đức Vân) xả thải gây ô nhiêm môi trường khiến học sinh phải nghỉ học, người dân đi khám bệnh tăng đột biến…

Doanh nghiệp Cao Bắc xả thải gây ra mùi khét khó chịu khiến người dân bức xúc. (ảnh: người dân cung cấp)

Người dân nơi đây cho rằng: “Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc xả thải gây ra mùi lạ, mùi khét rất khó chịu khiến họ phải nôn mửa, cây cối bị vàng lá…. Đem bức xúc này phản ánh tới chính quyền địa phương nhưng không cơ quan chức năng nào mạnh tay xử lý khiến họ bất an, lo lắng”. Thậm chí, một cháu học sinh lớp 5 trường Tiểu học Đức Vân thẳng thắn chia sẽ với PV: "Cứ bữa đi học có ngửi thấy mùi khét, khó chịu".

Sự việc này được ông Lương Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Đức Vân xác nhận với Thương hiệu và Pháp luật rằng: “Trên địa bàn có xuất hiện mùi lạ, mùi rất khó chịu khiến người dân bức xúc. Ngoài ra, từ khi nhà máy hoạt động người dân đi khám bệnh tăng đột biến”. Vị này nhận định: "Từ xưa đến nay có như thế đâu, giờ xảy ra hiện tượng như thế thì cũng mong muốn cơ quan cấp trên giải quyết cho sớm, có được làm hay không?”.

Trả lời về vấn đề này, ông Đồng Thanh Huân - Phó Phòng TNMT huyện Ngân Sơn cho biết: “Doanh nghiệp TN Cao Bắc chưa có văn bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Và sau đó đưa ra một số văn bản để PV tham khảo”. Khi được hỏi về một số lý do doanh nghiệp xả thải khiến người dân bức xúc từ tháng này sang tháng khác thì vị này nói rằng: “PV có thể tham khảo các văn bản và tự trả lời các câu hỏi”.

Dường như, các biên bản được người dân tự lập vì chính quyền sở tại bận việc ở nhà. Phó mặc, môi trường sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Biên bản được lập ngày 23/1/2019.
Sau 1 tháng, người dân lại gặp nhau để lập biên bản về mùi khí độc hại. Lại thêm một lần chính quyền địa phương vắng mặt.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Hồng Lam – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Ngân Sơn thừa nhận việc học sinh nghỉ học do ô nhiễm môi trường là có, ngoài ra có cả bệnh thủy đậu nữa.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, bà Chu Thị Huyền – Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: “Sự việc được phát hiện từ tháng 8/2018, cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Tại thời điểm nhân dân phản ánh, việc rừng thông bị cháy lá, UBND huyện đã có chỉ đạo phòng Nông nghiệp, Hạt kiểm lâm đi kiểm tra thực tế hiện trường. Tại hiện trường, cũng có việc khai thác nhựa thông. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn việc khai thác nhựa thông chưa đảm bảo đúng quy trình”.

Tuy nhiên khi hỏi về việc DNTN Cao Bắc đền bù cho người dân khi phát hiện cây thông bị vàng lá. Bà Huyền cho hay: “việc hỗ trợ 63 triệu đồng cho các hộ dân trồng rừng, là do doanh nghiệp tự chủ động thực hiện. Thậm chí, chúng tôi còn phê bình họ vì thực hiện việc đó mà không báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện theo đúng quy định về mức giá. Khi cơ quan quản lý nhà nước biết thì việc thỏa thuận với người dân đã xong”.

Bà Huyền thông tin: “sau khi có phản ánh, tôi và cơ quan chuyên môn trực tiếp đi kiểm tra thì thấy cái ống dẫn khí từ nhà máy đi lên ống xả cao nhất bị nứt một đoạn, dẫn tới khí rò rỉ ra ngoài. Phát hiện ra sự cố như vậy, đã yêu cầu nhà máy phải dừng hoạt động. Sau thời gian dừng không hoạt động thì không có mùi lạ nữa”. Sở TNMT báo cáo lại rằng là nhà máy chưa hoàn thiện ĐTM mà đã đi vào hoạt động, vị đại diện này nói.

Theo vị đại diện này, UBND huyện đã yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động và khắc phục những cái mà cơ quan chuyên môn đi kiểm tra, phát hiện thấy. Khắc phục xong thì cho chạy thử, chạy thử mà chưa được thì lại dừng. PV hỏi tại sao cho nhà máy chạy thử khi chưa có ĐTM thì bà Huyền thẳng thắn ‘đá bóng trách nhiệm’ là: “cái này thuộc về kỹ thuật”.

Khi môi trường quá ô nhiễm thì Phụ huynh, nhà trường cùng với lãnh đạo xã ngồi lại với nhau để lập biên bản.

Một nguyên nhân khác về việc có mùi lạ, mùi khó chịu khiến người dân bức xúc, được vị Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn đưa ra đó là: “Vì nhà máy có 2 giai đoạn. Giai đoạn trước năm 2018, khi đó nhà máy được cấp phép chế biến khoáng sản thì cái hệ thống máy móc này được luyện xỉ quặng. Giai đoạn sau từ 2018, nhà máy tự ý vận chuyển một số quặng để luyện quặng. Đương nhiên, máy móc thiết bị cũ không còn đáp ứng được khi đưa vào luyện quặng. Chính vì vậy, nó không xử lý triệt để được các khí từ quặng, xỉ quặng. Đây chính là nguyên nhân”.

Liên quan tới việc học sinh nghỉ học đồng loạt, bà Huyền nhận định: “Việc học sinh nghỉ học là một trong những sự việc đáng tiếc xảy ra, nhưng chỉ có hai buổi”. Còn về vấn đề người dân đi khám bệnh tăng đột biến, vị Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Việc khí thải ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào, người dân lo thì đi khám, nó tăng đột biến là do vậy. Kết quả khám sức khỏe thì chưa có bệnh án nào nói rằng bị ảnh hưởng từ khí thải này gây ra”.

Người đứng đầu chính quyền huyện Ngân Sơn mạnh dạn tuyên bố: “Nếu doanh nghiệp này không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về môi trường thì UBND huyện sẽ yêu cầu thu hồi giấy phép. Vì doanh nghiệp này hàng năm có nộp ngân sách nhà nước được bao nhiêu đâu”.

Mặc dù, DNTN Cao Bắc hoạt động khi chưa có ĐTM nhưng UBND huyện Ngân Sơn, UBND xã Đức Vân, Phòng TNMT huyện Ngân Sơn không ra một văn bản xử phạt nào là điều đáng ngạc nhiên. Phải chăng, chính quyền sở tại còn "e dè" nên không dám mạnh tay xử lý vi phạm của doanh nghiệp nhằm ổn định đời sống cho nhân dân?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

UY VŨ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu