02:49 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

“Bà trùm xoan” và mối lương duyên với câu hát

07:42 19/10/2022

(THPL) - Với nhiều người, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã và đang dành cả cuôc đời tâm huyết với việc truyền dạy, lưu giữ, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát Xoan, góp phần đưa hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng từ những câu hát Xoan được ông cha truyền lại, mà bà Nguyễn Thị Lịch vẫn bền lòng gắn bó từ khi còn là một cô đào có nhan sắc mặn mà đến khi trở thành nghệ nhân dân gian như ngày hôm nay.

“Bà trùm” phường xoan duy nhất của đất Tổ

Có dịp đặt chân về mảnh đất xã Phượng Lâu (Việt Trì - Phú Thọ), hỏi thăm “bà trùm” hát Xoan Nguyễn Thị Lịch, hầu như ai nấy cũng biết. Gắn bó với hát Xoan từ khi còn rất nhỏ, bà Nguyễn Thị Lịch là người có công lớn trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của vùng đất Tổ. Tuy nhiên, để đạt được những thành công đó ít ai biết được rằng, bà đã có cả một cuộc đời miệt mài phấn đấu không ngừng.

Bà Nguyễn Thị Lịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát Xoan. Ông nội bà là cụ Nguyễn Văn Trìu, bố là cụ Nguyễn Văn Thắng đều là trùm Xoan nổi tiếng của phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì, Phú Thọ). Thủa nhỏ, bà được ông nội và cha cho theo gánh hát đi khắp nơi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng, chất xoan đã “ngấm” dần vào người bà.

Bà Nguyễn Thị Lịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát Xoan
Để tiếp nối và gìn giữ những làn điệu Xoan, bà Lịch vẫn tự tập luyện và truyền dạy hát Xoan tại nhà, phường hoặc trong khi lao động,

Tới năm lên 13, bà Lịch hầu như đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành đào nương trẻ tuổi nhất của làng được trình diễn trong lễ hội tại đình làng An Thái vào ngày mùng một tháng Giêng. Ngày đó, hiếm người biết hát Xoan nên khi trình diễn tại các lễ hội đình, ngoài vai trò đào Xoan, bà còn phải đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách.

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật gắn liền với lễ hội bị mai một. Để tiếp nối và gìn giữ những làn điệu Xoan, bà Lịch vẫn tự tập luyện và truyền dạy hát Xoan tại nhà, phường hoặc trong khi lao động, nhờ vậy mà mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn được duy trì.

Sau năm 1975 cùng với tình yêu đối với các làn điệu Xoan bà Lịch đã tự mình thành lập một nhóm hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi và bà là người truyền dạy.

Đến năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái - xã Phượng Lâu được thành lập và bà Lịch được tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Từ đó trở đi, hát Xoan có cơ hội được phát triển mạnh vừa được trình diễn tại các đình làng, vừa trình diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Người theo học hát Xoan đông hơn, những gương mặt nghệ nhân Xoan sau này đều do bà Lịch truyền dạy.

Đời người câu hát

Tay bưng chén muối... ối a đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn... ối a xin đừng... xin đừng quên nhau... Câu hát ấy cùng với giọng ca trong trẻo đã theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cả một quãng đường dài.

Dù cho hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng bà Nguyễn Thị Lịch vẫn đều đặn hàng tuần đứng lớp, truyền dạy hát Xoan khắp các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Bà bảo, có tuần nhiều nơi gọi bà đi mà đành phải xin phép vì kín lịch. Có cả những người ở tận trong Nam gọi điện ra xin học, họ còn lập cả một phường hát xoan và mời bà vào đó dạy. 

 “Nghệ nhân chúng tôi  không còn sợ thế hệ con cháu mình không biết đến xoan, bởi bây giờ đi đâu, nhà nào cũng có người hát, thậm chí có cả những đứa bé 5,7 tuổi cũng ngân nga hát mà hát đúng theo nhịp, theo phách. Tôi mừng lắm và cố gắng truyền dạy tất cả những gì tôi được cha ông mình truyền lại cho con cháu mình”- bà Lịch tâm sự.

Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là nữ “trùm” xoan duy nhất của vùng đất Tổ.

Theo giọng ca, nhịp trống phách vang vọng chúng tôi tìm về các phường Xoan cổ, thật không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh dưới sân đình, sân đền các ông trùm, các đào, kép đến các cháu thiếu nhi 5, 6 tuổi đang chìm đắm trong từng làn điệu Xoan.

Những khuôn mặt rạng rỡ, hào hứng, những đôi tay mềm dẻo theo những động tác của làn điệu Xoan, dường như giữa họ không còn tồn tại khoảng cách tuổi tác mà chỉ thể hiện một niềm đam mê với nghệ thuật hát Xoan, và điều đáng mừng là đã có một bộ phận lớp trẻ biết trân trọng, nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống của cha ông. Hòa chung với những khuôn mặt rạng rỡ đó, là hình ảnh rất đời thường của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch hát hay, múa dẻo như nàng Quế Hoa của phường xoan Yên Thái.

Năm 2006, bà được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2012, bà được ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan. Năm 2015, bà là một trong 19 người am hiểu về di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là nữ “trùm” xoan duy nhất của vùng đất Tổ.

Với những đóng góp bảo tồn và phát huy lề lối xoan cổ Phú Thọ, nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Thị Lịch cũng là 1 trong 10 cá nhân được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021. Bằng tình yêu Xoan, bà Lịch đã dành cả cuộc đời, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát Xoan. Và cũng bởi hát Xoan mà bà chèo lái con thuyền cho cả phường Xoan cổ của Phú Thọ đến bến đỗ.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu