15:57 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu dệt may có thể đạt 34 tỷ USD trong năm 2018

08:55 12/12/2017

(THPL) - Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2017 dự kiến sẽ đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để Ngành đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ trong năm tới.

Trong năm 2017, ngành dệt may đã có nhiều bước đột phá đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam trong năm ước đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo báo Chính phủ, ông Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2017 ngành dệt may phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chính được giữ vững như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, một số thị trường có sự bứt phá như: Trung Quốc, Nga, Campuchia... Đồng thời là sự phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.

Với tiền đề vững chắc này, xuất khẩu dệt may dự kiến có thể đạt kim ngạch từ 33,5-34 tỷ USD trong năm 2018.

6-det-may
Xuất khẩu dệt may có thể đạt 34 tỷ USD trong năm 2018. Ảnh minh hoạ.

Theo TTXVN, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, ngành dệt may đã xây dựng một số giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển của ngành trong năm 2018. Cụ thể, VITAS sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ 4.0 vào ngành dệt may Việt Nam. Đây là một giải pháp bắt buộc phải có của các doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá, khác biệt trong ngành so với những năm trước cũng như đi trước so với một số nước ASEAN. 

Trong năm 2018, VITAS sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư FDI vào các lĩnh vực hiện đang thiếu hụt trong ngành nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại. Đồng thời, hướng các doanh nghiệp tập trung vào mô hình quản lý LEAN (sản xuất tinh gọn), đặc biệt là đầu tư vào sản xuất xanh, sạch, an toàn và giảm thiếu tối đa áp lực thời gian làm việc trong ngành, tạo động lực làm việc cho người lao động. Dự kiến thặng dư thương mại của ngành dệt may trong năm 2018 sẽ là 18 tỷ USD, thay vì chỉ khoảng 15,5 tỷ USD như năm nay. 

Song song với các giải pháp trên, ngành dệt may cũng hướng tới việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển hàng thời trang, thiết kế nhằm xây dựng các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng như đảm bảo việc tự túc trong sản xuất FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) và ODM (tự thiết kế, sản xuất). Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết hợp tác trong hội viên nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành dệt may trong thời gian tới. 

Về phần thị trường xuất khẩu, đại diện VITAS cho biết, mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may trong thời gian tới. Đơn cử như FTA với Liên minh kinh tế Á- Âu có hiệu lực vào cuối năm 2016 đã giúp hàng dệt may Việt Nam có mặt trở lại ở thị trường Nga, tạo ra sự ổn định lớn về mặt thị trường khi không có TPP.

FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành dệt may, nhất là trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp sản xuất... Đáng chú ý, trong năm 2017, hàng dệt may Việt Nam cũng tạo được sự đột phá mới khi xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Dù hiện chỉ chiếm tỷ trọng xuất khẩu khá ít, khoảng 3%, nhưng đây sẽ là tiền đề để tăng xuất khẩu dệt may vào thị trường này, giảm tỷ lệ nhập siêu (nhập nguyên liệu) trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu