13:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành dệt may chưa hết khó khăn trong năm 2017

10:47 23/01/2017

(THPL) - Ngành dệt may vẫn chưa thể lạc quan trong năm 2017 do hàng loạt khó khăn đến từ hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được dự báo có nguy cơ mất đơn hàng, thất bại ngay trên sân nhà lẫn xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt khoảng 28,5 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD và chỉ đạt khoảng 92% kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến "vỡ" kế hoạch năm 2016 được lãnh đạo Vitas nhìn nhận là do nhu cầu chung của cả thế giới bị suy giảm. Ngay cả các quốc gia lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD, để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng. Đặc biệt, sự kiện Anh quyết định rời EU (Brexit) hay thông tin Mỹ có khả năng rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tác động đến dệt may, dù chỉ mới ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2017. Ảnh: Internet

Dù mức tăng trưởng thấp, không phù hợp với năng lực, quy mô của ngành dệt may, nhưng tại hội nghị tổng kết cuối năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vẫn đánh giá, dệt may Việt Nam giữ vững được tăng trưởng ở các thị trường trên thế giới, đặc biệt là có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may.

Cụ thể, thị phần của Việt Nam tại những thị trường lớn vẫn tiếp tục được cải thiện, như thị phần tại Mỹ tăng lên 11%, thị phần tại Nhật Bản cũng tăng tốt, Việt Nam trở thành trọng điểm của cạnh tranh dệt may thế giới.

Bước sang năm 2017, ngành dệt may vẫn tiếp tục được dự báo gặp nhiều khó khăn do tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá...

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra nhận định: "Năm nay ngành dệt may vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách thuế do các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực. Đáng chú ý, tân Tổng thống Mỹ với những chính sách mới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành dệt may trong nước lẫn thế giới nói chung. Đồng thời, sự bất ổn của nền kinh tế EU với việc Thủ tướng Italia từ chức, cuối quý 1-2017 sẽ chính thức thực hiện Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về hàng dệt may của thị trường EU trong năm 2017”.

Với dự báo còn khó khăn nên năm nay ngành dệt may không phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 10%-12% như mọi năm mà chỉ dự kiến tăng 6,5%-7%, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2017, ngoài một số cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế đang mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa với xuất phát điểm thấp, việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập rất vất vả.

Trong đó, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa trong nước có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có thể mất các đơn hàng truyền thống về khối các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do vậy, ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cần có những chiến lược, giải pháp ưu việt để vượt qua khó khăn.

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, năm 2017, đơn vị phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn tăng 14% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu toàn Tập đoàn tăng 11%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 9%. Doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn tăng 12%. Để thực hiện được mục tiêu này, Vinatex hướng tới tăng cường tính chủ động trong công tác thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, EU, Nhật Bản. Nâng cấp thị trường, giảm bớt khâu trung gian.

Về phía Nhà nước, cần sớm có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc nội địa chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Đơn cử, có chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất; kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng; xúc tiến phát triển khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh năng lực giao dịch, đáp ứng nhanh mọi yêu cầu của nhà nhập khẩu từ chào hàng, giao hàng cho đến các dịch vụ cung ứng khác. Mặt khác, do nhu cầu thị trường suy giảm nên doanh nghiệp phụ thuộc vào trung gian sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm kiếm khách hàng trực tiếp, giảm dần xuất khẩu qua trung gian, nhằm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, giảm thiểu chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thế chủ động cao hơn trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung khai thác hiệu suất cao hơn nữa của trang thiết bị đã đầu tư, nâng cao năng suất. Tăng cường tính chủ động trong công tác thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, EU, Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng cần mở rộng thị trường ngách khó, theo hướng sản xuất những mặt hàng có quy mô đơn hàng nhỏ và vừa nhưng khó, để tiếp tục xác định lợi thế và nâng sức cạnh cạnh.

Hoàng Hải (T/H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu